Dữ liệu cá nhân là tài nguyên chiến lược, tài sản và hàng hóa đặc biệt
Sáng 28-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội tổ chức tọa đàm về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo. Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì tọa đàm.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh: HOÀNG QUỲNH
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là dự án luật mới và khó. Dữ liệu cá nhân vừa là tài nguyên chiến lược, vừa là tài sản đặc biệt, khi được giao dịch thì trở thành hàng hóa đặc biệt.
Dự án luật cũng phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình quản lý, sử dụng, chuyển giao dữ liệu cá nhân qua biên giới, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, khơi thông nguồn lực, bảo đảm thuận lợi cho quá trình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp cũng như giải quyết hàng loạt “quan hệ chằng chịt” vì liên quan tới rất nhiều bên.
"Nếu dự thảo luật quy định không phù hợp thì sẽ phát sinh 2 trường hợp. Một là kiểm soát chặt quá thì không phát huy được. Hai là buông lỏng quá thì ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân…", Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Quang cảnh tọa đàm.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tính thống nhất của dự án luật trong hệ thống pháp luật; về bố cục của dự thảo luật; về giải thích từ ngữ để khi triển khai tạo sự thống nhất, không vướng mắc; về xử lý vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đồng chí Trần Quang Phương nêu ví dụ về quy định xử phạt bằng khoản tiền 5% doanh thu năm trước liền kề. Vậy, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chưa phát sinh doanh thu năm trước, hay doanh nghiệp đã hoạt động vài năm nhưng chưa có doanh thu “thì lấy gì để xử phạt”?.
Cùng với đó, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị đại biểu tập trung cho ý kiến về vấn đề áp dụng pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; về hành vi bị nghiêm cấm; quyền chủ thể dữ liệu; xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không cần sự đồng ý của chủ thể; về đề xuất bổ sung 3 ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực này vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đồng chí Trần Quang Phương nêu rõ lại quan điểm định hướng xây dựng luật là bảo đảm tính ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chưa quy định vào luật những vấn đề mới, chưa rõ, chưa ổn định. “Đặc biệt là triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, các điều kiện sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân, doanh nghiệp”, đồng chí Trần Quang Phương nói.
Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu từ năm 2015, với rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức, nhận được hơn 700 ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.