'Dữ liệu không kết nối, tích hợp sẽ gây phiền toái cho người dùng'

Tại Hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu, nhiều vấn đề và hướng xử lý đã được các đại biểu góp ý.

Chiều 25-10, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.

Dữ liệu số hóa tới đâu đưa vào sử dụng tới đó

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) nhấn mạnh, muốn chuyển đổi số được, trước tiên phải tạo lập được được nguồn dữ liệu, nguồn dữ liệu này sẽ được sử dụng để mang lại những giá trị cho người dân.

Trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh xác định điện tử, trong đó dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nằm trong tổng thể mô hình tam giác để tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về con người, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Ba bộ dữ liệu này sẽ tạo lập nên các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số.

 Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh PHI HÙNG

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại hội thảo. Ảnh PHI HÙNG

Lãnh đạo Cục C06 cũng cho biết, việc triển khai Đề án 06 đã mang lại những điều cơ bản nhất, tạo lập nhóm dữ liệu, trong đó khẳng định năm nhóm vấn đề: dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu); phục vụ phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số; tạo lập bộ dữ liệu dùng chung để các đơn vị liên quan khai thác; giá trị tham mưu, hoạch định chính sách cho địa phương, Chính phủ.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai Đề án 06, đã xác định một số điểm nghẽn (pháp lý, dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật, nguồn lực). Đây là những điểm nghẽn, giải quyết được mới phát triển được Đề án 06 cũng như trong chuyển đổi số. Theo mục tiêu, kết thúc của Đề án 06 là sẽ tạo lập được bộ dữ liệu cơ bản nhất về con người.

Dữ liệu không kết nối, tích hợp sẽ không có ý nghĩa

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia tiếp tục tham vấn chính sách các cơ quan tổ chức, mời nguồn lực cộng đồng nhân dân, kiều bào như thế nào để đồng hành cùng Chính phủ. Trên cơ sở kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới.

“Trong cuộc chơi về dữ liệu cần phải nói tới tính đồng bộ trong khai thác để đảm bảo an ninh an toàn, điều này cần có những giải pháp. Chúng ta nói tới nhiều dữ liệu, nói tới nhiều AI - trí tuệ nhân tạo, tất cả chúng ta đều hiểu và đều nhận diện ra được phải ứng dụng AI vào dữ liệu. Nhưng dữ liệu chưa trưởng thành thì làm sao nói tới AI được”- Đại tá Tấn nhấn mạnh.

Bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, nghiên cứu trưởng chuỗi hội thảo cho rằng, cần một hội đồng điều hành mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có các chuyên gia và các hệ thống doanh nghiệp trực tiếp xử lý, tư vấn thông tin, tách biệt với hệ thống quản lý của Chính phủ.

Theo bà Nga, cộng đồng người Việt ở ngoài đặt câu hỏi muốn tham gia và đóng góp vào dữ liệu quốc gia ra sao? Với thị trường dữ liệu, chúng ta nên coi đó là sản phẩm hàng hóa sẽ có những “đóng gói” liên quan đến sản phẩm quy hoạch được thị trường dữ liệu. Trong đó, phân loại được dữ liệu nào là an ninh quốc gia không thể chia sẻ, những phần nào cần thiết cho doanh nghiệp và người dân hay những phần nào cần tư vấn từ quốc tế...

“Chúng ta phải làm ngay, bởi doanh nghiệp hay người dân sẽ không chờ khi được luật hóa hay mô hình chuẩn. Với khối doanh nghiệp, hàng ngày họ vẫn phải tìm kiếm những dữ liệu, các đầu mối thông tin", bà Nga đề xuất.

Còn ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, vấn đề kết nối và tích hợp dữ liệu vô cùng quan trọng, dữ liệu không tự sinh ra, nhưng dữ liệu nằm một chỗ cũng không được, do đó cần phải được liên kết với nhau.

Nếu không có sự kết nối và tích hợp sẽ không có ý nghĩa, dữ liệu không thể làm được gì, thậm chí dữ liệu đó nhiều khi còn gây phiền toái cho người dùng.

“Với kinh nghiệm của chúng tôi, để làm một bộ dữ liệu báo cáo thống kê cho ngân hàng, ngoài việc có cơ sở vật chất, thì tất cả các vụ, cục phải ngồi với IT suốt hai năm mới ra được Data mart (phiên bản thu gọn của kho dữ liệu và được thiết kế để sử dụng bởi một bộ phận, đơn vị hoặc nhóm người dùng cụ thể trong một tổ chức – PV), thiết kế, kết nối dữ liệu… Công nghệ thông tin chỉ là công cụ đưa vào để triển khai những ý tưởng. Do đó, việc thiết kế rất quan trọng, nếu không có thiết kế tốt sẽ đổ vỡ"- ông Dũng chia sẻ.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, vừa qua Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị và thống nhất giao Chính phủ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia (7-2023). Đến tháng 10-2023, Ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30-10-2023 phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia.

Tuy nhiên, cần phải xác định quan điểm, dữ liệu quốc gia được số hóa tới đâu cần phải đưa vào sử dụng tới đó để phục vụ nhân dân, không trông chờ có nhóm chung.

“Chúng ta đang có quan niệm số hóa xong dữ liệu mới đưa vào dùng, nhưng thực tế, qua triển khai dữ liệu dân cư thấy rằng, khi dữ liệu được số hóa phải mang dùng ngay thì mới sống. Bên cạnh đó, dữ liệu nào là dữ liệu gốc, cốt lõi, khi được tạo lập sẽ là nền tảng để tạo lập cho các dữ liệu khác. Ví như dữ liệu dân cư được tạo lập sẽ là nền tảng để cho ngành tư pháp tiếp tục số hóa”, Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin.

PHI HÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-lieu-khong-ket-noi-tich-hop-se-gay-phien-toai-cho-nguoi-dung-post816711.html