Dư luận đánh giá cao công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão của Hà Nội

Trước diễn biến phức tạp của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn và ngập lụt tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng với việc Thành ủy Hà Nội liên tiếp có những chỉ đạo nhanh chóng ứng phó, chỉ đạo xử lý kịp thời các giải pháp trọng tâm ứng phó với mưa, lũ… đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao và tin tưởng của người dân Thành phố.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội có báo cáo về tình hình tư tưởng trong thời gian diễn ra cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo, tâm điểm trong ngày 11/9 khiến dư luận quan tâm, lo lắng là việc đảm bảo an toàn đập thủy điện Thác Bà và mực nước sông Hồng sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Hà Nội và các tỉnh: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, nhất là Yên Bái chuẩn bị phương án xấu nhất có thể xảy ra với hồ Thác Bà.

Người dân Thủ đô tin tưởng, đánh giá cao công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão của lãnh đạo Thành phố.

Người dân Thủ đô tin tưởng, đánh giá cao công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão của lãnh đạo Thành phố.

Tuy nhiên, sau khi có thông tin thủy điện Thác Bà an toàn, lượng nước về hồ Thác Bà đang giảm dần khiến sự lo lắng, “hồi hộp” của dư luận có phần dịu lại, tâm trạng chung chờ đợi, theo dõi những hoạt động cứu hộ, cứu trợ, các hoạt động của Thành phố, các địa phương và các cơ quan chức năng trong việc xử lý, ứng phó các sự cố ngập úng trên địa bàn.

Trong khi đó, có một bộ phận dư luận tỏ ra bức xúc, phàn nàn việc một số trang tin, mạng xã hội, các Kols, các Tiktoker đưa tin thất thiệt, giật tít câu like, câu view với các nội dung không rõ ràng, hoặc tin đồn vỡ đê ở Sóc Sơn trong ngày 10/9; thông tin Trung Quốc xả lũ thủy điện từ 11h ngày 11/9 trên sông Lô; hình ảnh ngập úng ở một số địa bàn trên địa bàn thành phố; đáng chú ý việc một số người đưa lại thông tin về hình ảnh, bài viết về trận lũ lịch sử tháng 8/1971, với số liệu chưa chính xác cộng hưởng tạo tâm lý lo lắng, thậm chí hoang mang trong dư luận…

Trước tình hình này, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện Hướng dẫn số 148-HD/BTGTU, ngày 4/5/2024 về tuyên truyền công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2024 trên địa bàn Thành phố; Công văn số 2535-CV/BTGTU ngày 6/9/2024 tổ chức trực và thông tin, tuyên truyền ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố… đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, tiếp tục cung cấp thông tin định hướng, nắm bắt tình hình dư luận, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, thống nhất về tư tưởng, nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về diễn biến, tính chất nguy hiểm, phức tạp của hoàn lưu cơn bão số 3, sự chỉ đạo công tác phòng, chống bão của các cấp, các ngành và kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống bão của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, nắm tình hình hệ thống Tuyên giáo Thành phố triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của hoàn lưu cơn bão số 3, sự chỉ đạo công tác phòng, chống bão của các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, tạo sự đồng thuận trong chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bão theo tinh thần Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024, Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2024, Công điện số 92/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 4/9/2024; Điện của Thường trực Thành ủy ngày 5/9/2024; các văn bản khác của Thành phố và các sở, ban, ngành liên quan (đặc biệt là Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 9/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông).

Tính đến 16h ngày 11/9/2024, hoàn lưu cơn bão số 3 vẫn tiếp tục ảnh hưởng diện rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với lượng mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, kéo theo mực nước sông đang lên nhanh, lưu tốc dòng chảy lớn. Hệ thống tuyên giáo Thành phố tiếp tục triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do hoàn lưu cơn bão gây ra. Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức đoàn kiểm tra trực tiếp xuống địa bàn một số đơn vị (quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng…) để theo dõi, nắm bắt tình hình lũ lụt và công tác hỗ trợ di rời các hộ dân trong vùng ngập lụt, công tác đảm bảo an sinh cho người dân tại khu vực tránh trú.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn được thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai, thực hiện nhanh chóng, an toàn.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn được thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai, thực hiện nhanh chóng, an toàn.

Việc Thành ủy ban hành các văn bản, Công điện hỏa tốc chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2024 trên địa bàn thành phố; tổ chức trực và thông tin, tuyên truyền ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão trên địa bàn thành phố… được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Dư luận cho rằng, các biện pháp được Thành phố, các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện khẩn trương, quyết liệt 7 nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Ban Thường vụ Thành ủy tập trung triển khai.

Việc các địa phương chủ động tuyên truyền để người dân hiểu mức độ nguy hiểm của mưa lũ, chủ động các biện pháp phòng, tránh; chuẩn bị kịch bản ứng phó khi mực nước sông Hồng ở báo động 2, báo động 3; khẩn trương di dời, sơ tán người dân tại những địa phương có nguy cơ và bị ảnh hưởng của mưa lũ, ngập úng; rà soát, chăm lo an sinh, phúc lợi xã hội đối với các trường hợp khó khăn; đảm bảo an toàn về tài sản cho người dân sau khi di dời; bố trí các lực lượng xung kích, nhân dân ứng trực để nhanh chóng xử lý sự cố ở các khu vực trọng điểm, xung yếu được dư luận ghi nhận, cho đây là những biện pháp cần thiết, hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết.

Đặc biệt, dư luận đánh giá cao việc lực lượng chức năng của các quận, huyện, thị xã Thành phố, tiếp tục di chuyển người dân ra khỏi địa điểm có nguy cơ mất an toàn do nước sông dâng cao, do mưa ngập lụt đến nơi an toàn. Nhiều hoạt động cứu nạn, cứu hộ, thăm hỏi, chăm lo đảm bảo chỗ ở, ăn uống miễn phí cho nhân dân (thuộc diện di dời đến nơi an toàn) được triển khai kịp thời trên địa bàn thành phố…

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cơ bản không để xảy ra vụ việc nghiêm trọng. Dư luận nhân dân đánh giá cao công tác phòng chống bão, đảm bảo trật tự an toàn trên địa bàn. Lực lượng Công an đã tham gia ứng trực, duy trì thường xuyên nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, làm tốt công tác tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý các vụ việc an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. Ban Chỉ đạo 35 thành phố và cơ sở, cùng các lực lượng liên quan trên toàn thành phố duy trì tốt công tác theo dõi, nắm tình hình, tích cực đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin tích cực, đồng thời tổ chức các tuyến bài, tin bài đấu tranh với các luận điệu cố ý xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta trên không gian mạng...

Báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành Ủy Hà Nội cũng nêu rõ, trong ngày 11/9/, không có tình trạng mất điện, mất nước nghiêm trọng nào xảy ra; thông tin liên lạc được đảm bảo. Các đơn vị đã bố trí 100% nhân lực, thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác vận hành các khu xử lý rác tập trung, nhằm tiếp nhận hết rác, không để ùn ứ, đảm bảo an toàn, đúng quy trình. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp xử lý vấn đề tiêu thoát nước, ngập úng và đề phòng lũ quét, sạt lở đất, vỡ đê bồi (vận hành khoảng 254 trạm bơm tiêu với gần 1.044 máy bơm). Chuẩn bị phương án bơm thoát nước khi có tình huống bất ngờ xảy ra…

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-luan-danh-gia-cao-cong-tac-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-cua-ha-noi-177213.html