Dư luận quốc tế lạc quan về Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ
Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và cho rằng ASEAN là thành tố quan trọng cho sự thành công trong chính sách tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ diễn ra trong hai ngày 12-13/5 tại thủ đô Washington D.C, Hoa Kỳ.
Theo bà Kate Rebholz, Đại biện Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN, Hội nghị cấp cao lần này sẽ mang lại “một tuyên bố về Tầm nhìn ASEAN-Hoa Kỳ đầy tham vọng và hướng tới tương lai” và các sáng kiến mới, trong đó bao gồm quan hệ đối tác về y tế công cộng, khí hậu và tăng trưởng kinh tế.
Theo trang mạng usip.org, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang chi phối sự chú ý của cộng đồng quốc tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ nhấn mạnh “cam kết lâu dài” của Hoa Kỳ đối với ASEAN, đồng thời thể hiện rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Phát biểu với Trung tâm nghiên cứu Stimson ngày 9/5, ông Bilahari Kausikan, cựu Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore nhận định: “Hội nghị ASEAN-Hoa Kỳ lần này cho thấy một thông điệp Hoa Kỳ trên thực tế có thể làm nhiều việc cùng một lúc và không bị phân tâm”.
Một cuộc khảo sát cho thấy, niềm tin vào Hoa Kỳ sẽ tăng cường can dự vào khu vực đã tăng từ 9,9% vào năm 2020 dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump lên 68,6% dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng, được công bố vào tháng Hai vừa qua, tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang nỗ lực “thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối hơn, thịnh vượng hơn, an toàn hơn và dẻo dai hơn”.
Chiến lược này coi trọng vai trò của ASEAN, coi ASEAN là thành tố quan trọng cho sự thành công trong chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực, bên cạnh các liên minh mới hình thành như nhóm Bộ tứ (gồm Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản).
Việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực hoàn toàn phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, về khía cạnh kinh tế, theo Asia Times, nhân dịp Hội nghị này, Hoa Kỳ cũng muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế với khu vực.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc ngày càng đóng vai trò tích cực hơn trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế tại khu vực.
Chính quyền Tổng thống Biden hiểu rằng Hoa Kỳ chỉ có thể thành công ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu họ tăng cường sự hợp tác từ các đối tác trong khu vực.
Năm mục tiêu cốt lõi của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là: thúc đẩy một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở; xây dựng kết nối trong và ngoài khu vực; thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực; củng cố an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; và xây dựng năng lực phục hồi của khu vực trước các mối đe dọa xuyên quốc gia.
Để thực hiện chiến lược này, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) đang được phát triển cùng với các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, hướng tới mục đích làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế trong khu vực và phối hợp các phương pháp tiếp cận với các thách thức kinh tế toàn cầu.
Tờ East Asia Forum nhận định rằng, sự thành công của chính quyền Tổng thống Biden trong việc điều chỉnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của mình sao cho phù hợp với Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ rất quan trọng để tái đảm bảo với ASEAN về sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với tính trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
(tổng hợp)