Dư nợ tín dụng bất động sản tại TPHCM vượt 1,1 triệu tỉ đồng
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 (TPHCM), đến cuối tháng 4, dư nợ tín dụng bất động sản tại thành phố đạt 1,116 triệu tỉ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và 2,85% so với cuối năm 2024.

Hơn 1,1 triệu tỉ đồng tín dụng đổ về bất động sản TPHCM trong 4 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Vũ
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, cho biết dù tín dụng bất động sản tăng chưa ổn định qua từng tháng nhưng vẫn tăng dương và cao hơn mức tăng chung. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng 2,85%, cao hơn mức tăng chung 2,62%, TTXVN đưa tin.
Theo ông Lệnh, tín dụng bất động sản tại TPHCM chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, nhóm vay tự sử dụng (mua, sửa chữa nhà ở...) chiếm 65%, tương đương 727.000 tỉ đồng, tăng 0,05% so với tháng trước và 0,65% so với cuối năm 2024.
Đáng chú ý, tín dụng nhà ở xã hội tại TPHCM đã phục hồi trong 2 tháng gần đây. Đến cuối tháng vừa qua, dư nợ đạt 2.764 tỉ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 1,7% của tháng 3 và trái ngược với mức giảm 2,55% trong tháng 2.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2 cho biết tín dụng bất động sản phục hồi nhờ lãi suất hợp lý, sản phẩm vay đa dạng, linh hoạt và phù hợp thu nhập người vay. Nhiều gói tín dụng như vay nhà ở xã hội, cho người dưới 35 tuổi... góp phần hỗ trợ nhu cầu an cư của người lao động.
Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng thương mại đã triển khai các gói vay mua nhà với lãi suất ưu đãi, thấp hơn mặt bằng chung 1-3 điểm %, góp phần kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, việc tháo gỡ kịp thời vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, cùng với các gói vay ưu đãi dành cho người dưới 35 tuổi, sẽ thúc đẩy tín dụng mua nhà. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả cũng góp phần hỗ trợ tiêu dùng, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo người vay cần lưu ý rủi ro từ lãi suất thả nổi sau thời gian ưu đãi, thường chỉ kéo dài 6-24 tháng. Sau đó, lãi suất có thể tăng lên 11-13%/năm, gây áp lực tài chính với các khoản vay dài hạn nếu không tính toán kỹ.