Dư nợ tín dụng của ACB tăng 9,1% so với đầu năm

Tính đến cuối quý II/2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ghi nhận dư nợ tín dụng đạt 634.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm.

Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế đang hồi phục thận trọng và cầu tín dụng chưa thực sự bứt phá mạnh. Cấu trúc tín dụng của ACB được duy trì cân bằng giữa khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, phù hợp với chiến lược bán lẻ chủ đạo mà ngân hàng theo đuổi nhiều năm qua.

Đáng chú ý, đà tăng trưởng tín dụng đi kèm với chất lượng tài sản được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu trước CIC chỉ còn 1,18%, trong khi sau CIC là 1,26%, giảm đáng kể so với mức 1,49% vào cuối năm 2024. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn, nhóm rủi ro cao nhất giảm gần 13%, cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và xử lý nợ có kết quả rõ rệt. Tuy vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 76,3% vẫn còn khiêm tốn so với các ngân hàng TMCP dẫn đầu, đặt ra yêu cầu tăng cường dự phòng trong bối cảnh rủi ro từ thị trường bất động sản và doanh nghiệp SME chưa được giải quyết triệt để.

Bức tranh lợi nhuận quý II/2025 của ACB cho thấy sự dịch chuyển rõ nét từ nguồn thu truyền thống sang thu nhập ngoài lãi. Trong khi thu nhập lãi thuần giảm 6% so với cùng kỳ, do chi phí vốn tăng và biên lãi ròng (NIM) thu hẹp vì cạnh tranh lãi suất huy động, thì thu nhập ngoài lãi tăng mạnh 68%, trở thành lực đẩy chính giúp lợi nhuận trước thuế quý II đạt 6.093 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ, 33% so với quý I).

Trong đó, thu nhập từ hoạt động khác đạt 812 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ, nhờ hoàn nhập dự phòng, thu hồi nợ và hoạt động tài chính khác; Kinh doanh ngoại hối đóng góp 670 tỷ đồng, tăng 57%, phản ánh hiệu quả của chính sách quản trị rủi ro tỷ giá trong môi trường biến động; Đầu tư chứng khoán mang lại 446 tỷ đồng lãi thuần từ chứng khoán đầu tư, trái ngược hoàn toàn với khoản lỗ 14 tỷ đồng cùng kỳ năm trước; Góp vốn, mua cổ phần ghi nhận thu nhập 58 tỷ đồng, tăng gần 11 lần, cho thấy ngân hàng chủ động nắm bắt cơ hội đầu tư tài chính và thoái vốn hợp lý.

Những con số trên cho thấy khả năng thích nghi và đa dạng hóa nguồn thu của ACB trong bối cảnh khó khăn từ hoạt động tín dụng truyền thống. Tuy nhiên, tính bền vững của các khoản thu này cần được theo dõi kỹ lưỡng, đặc biệt khi thị trường tài chính và chứng khoán tiềm ẩn nhiều biến động nửa cuối năm.

Về mặt huy động, ACB ghi nhận tổng nguồn vốn đạt 707.000 tỷ đồng, tăng 10,6%. Trong đó, tiền gửi khách hàng đạt 567.000 tỷ đồng, tăng 5,6%; Giấy tờ có giá như trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi tăng mạnh 37%, lên 139.000 tỷ đồng - phản ánh nỗ lực chuyển dịch sang nguồn vốn trung dài hạn để giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn.

Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cũng tăng lên 22,6%, cải thiện so với năm trước. Tuy vậy, để duy trì tăng trưởng huy động trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng, ACB có thể phải tiếp tục tăng lãi suất đầu vào, gây áp lực lên chi phí vốn và biên lợi nhuận.

Bất chấp những áp lực từ chi phí vốn, ACB vẫn duy trì hiệu quả tài chính ấn tượng:

- Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức trên 20% - nằm trong nhóm ngân hàng có hiệu suất tốt nhất hệ thống.

- Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kiểm soát ở mức 32%, cho thấy năng lực quản trị vận hành hiệu quả, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ số hóa quy trình.

Đây là những nền tảng quan trọng giúp ngân hàng duy trì vị thế cạnh tranh và khả năng tạo ra giá trị cho cổ đông trong dài hạn.

Trong 6 tháng đầu năm, ACB đã hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận trước thuế 23.000 tỷ đồng. Dù vậy, chặng đường còn lại của năm 2025 sẽ không dễ dàng khi ngân hàng phải đối mặt với: Áp lực lãi suất huy động ngày càng tăng, ảnh hưởng đến NIM và lợi nhuận; Biến động kinh tế vĩ mô toàn cầu, gồm chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), căng thẳng thương mại; Thị trường bất động sản và nợ xấu trong nhóm khách hàng doanh nghiệp tiếp tục là ẩn số khó lường.

Tuy nhiên, với nền tảng hoạt động bán lẻ vững chắc, hệ sinh thái số hóa, cơ cấu tài sản lành mạnh và năng lực quản trị rủi ro hiệu quả, ACB được đánh giá vẫn còn dư địa tăng trưởng tích cực và khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm nếu giữ vững đà hồi phục từ quý II.

Dư nợ tín dụng vượt 634.000 tỷ đồng phản ánh rõ đà tăng trưởng tín dụng vững vàng của ACB. Dù đối mặt với không ít thách thức trong nửa cuối năm, ngân hàng vẫn đang phát huy lợi thế về cơ cấu thu nhập đa dạng, hiệu quả quản trị và năng lực kiểm soát rủi ro, những yếu tố then chốt bảo đảm sự bền vững trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.

(Chi tiết báo cáo tài chính đình kèm)

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-no-tin-dung-cua-acb-tang-91-so-voi-dau-nam-167919.html