Ngân hàng tăng phát hành trái phiếu để bổ sung vốn trung dài hạn
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các ngân hàng đã phát hành khoảng 193.000 tỷ đồng trái phiếu - chiếm 75% tổng giá trị phát hành trên thị trường, nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho vay và đầu tư. Động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp, nhu cầu tăng vốn cấp 2 và yêu cầu tuân thủ quy định an toàn vốn.
Theo S&I Ratings, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm đạt 258.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ. Quý II là giai đoạn các nhà băng huy động vốn mạnh nhất qua kênh trái phiếu trong 5 năm qua, với riêng tháng 6 ghi nhận gần 50 đợt phát hành thành công, tổng giá trị khoảng 72.000 tỷ đồng.
Lãi suất bình quân của trái phiếu ngân hàng hiện vào khoảng 5,79%/năm, trong đó có nhiều lô lãi suất cố định dưới 5% và phần lớn áp dụng lãi suất thả nổi với biên độ cộng thêm 1-3%. Techcombank, ACB và BIDV là ba ngân hàng phát hành nhiều nhất lần lượt với 37.000 tỷ, 29.200 tỷ và 17.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tùng Anh - Giám đốc Khối nghiên cứu Tín dụng và dịch vụ tài chính bền vững của FiinRatings nhận định: “Lãi suất trái phiếu ở mức 5,5%/năm là khá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay và cho thấy các ngân hàng tận dụng tốt mặt bằng lãi suất thấp”. Ông dự báo xu hướng ổn định lãi suất sẽ tiếp tục, trừ khi có biến động chính sách hoặc áp lực lạm phát lớn.
Bên cạnh yếu tố chi phí, kỳ hạn bình quân khoảng 4 năm của trái phiếu phát hành phù hợp với nhu cầu vốn trung dài hạn của các ngân hàng. Đa số nhà băng cũng ưu tiên phát hành riêng lẻ, hướng đến nhà đầu tư tổ chức để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia dự báo xu hướng phát hành sẽ còn gia tăng nhằm bù đắp cho tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong khi huy động tiền gửi chững lại. Nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành thêm hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu.
Đơn cử, Agribank dự kiến phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm để huy động tối đa 10.000 tỷ đồng, LPBank công bố kế hoạch chào bán công khai 4.000 tỷ đồng, Eximbank lên kế hoạch phát hành 10 đợt trái phiếu để huy động 10.000 tỷ đồng, còn Kienlongbank chuẩn bị chào bán lô trái phiếu 900 tỷ đồng với lãi suất năm đầu tiên 6,9%.
Xu hướng phát hành trái phiếu mạnh mẽ của các nhà băng cho thấy sự chủ động trong việc củng cố năng lực tài chính và điều chỉnh cấu trúc vốn nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới.