Dù phát triển năng lượng xanh, khí đốt và than đá vẫn đang thống trị lưới điện Hoa Kỳ
Khí đốt tự nhiên và than vẫn là nguồn cung cấp cho hơn một nửa sản lượng điện của Hoa Kỳ mặc dù chính phủ có động thái thúc đẩy tài trợ phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Trên thực tế, năng lượng xanh đã tăng theo tỷ lệ phần trăm công suất phát điện và theo tỷ lệ sản lượng. Tuy nhiên, than và khí đốt vẫn chiếm ưu thế, cung cấp 58% lượng điện được tạo ra tại Hoa Kỳ trong tám tháng đầu năm nay, theo dữ liệu từ LSEG.
Theo Reuters, con số này đã giảm so với mức 60,4% trong tám tháng đầu năm 2021, điều này có thể mang lại cho những người ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh một số hy vọng về một lưới điện không phát thải carbon, có thể khả thi vào một thời điểm nào đó trong tương lai xa.
Tuy nhiên, xét về mặt tuyệt đối, sản lượng từ các nhà máy chạy bằng than và khí đốt đã tăng lên, nghĩa là chúng thực sự cung cấp nhiều điện hơn cho lưới điện so với năm 2021.
Lý giải cho vấn đề này là nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao và tính không linh hoạt của năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Là nguồn năng lượng phụ thuộc vào thời tiết, đây là những nguồn không thể cung cấp điện theo nhu cầu trừ khi chúng được ghép nối với các loại pin. Vì vậy, lưới điện phụ thuộc vào tải cơ bản, phát điện 24/7, theo nhu cầu từ các nhà máy điện than và khí đốt.
Tăng trưởng dân số cũng là một trong những lý do lớn nhất dẫn đến nhu cầu điện tăng này. Một lý do khác, được giới truyền thông đưa tin nổi bật hơn, là sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghệ thông tin.
Vào tháng 6, Cơ quan Thông tin Năng lượng (IEA) đã báo cáo rằng nhu cầu điện của Hoa Kỳ đã phục hồi sau lệnh phong tỏa do đại dịch Covid-19, với mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận ở "một số ít tiểu bang đang phát triển nhanh chóng các cơ sở điện toán quy mô lớn như trung tâm dữ liệu".
Thật vậy, các trung tâm dữ liệu và sự phát triển của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang trở thành những thách thức tiềm tàng đáng kể đối với quá trình chuyển đổi năng lượng do nhu cầu điện mà chúng sẽ bổ sung vào tổng nhu cầu hiện tại.
Ngoài ra còn có những vấn đề về nguyên liệu thô xây dựng tất cả các trung tâm dữ liệu cần thiết nhằm cho phép sử dụng trí tuệ nhân tạo nhiều hơn nữa, từ đó sẽ làm tăng thêm nhu cầu điện cần được đáp ứng bởi các nguồn cung cấp đáng tin cậy 24/7.
Trong bối cảnh này, không có gì ngạc nhiên khi khí đốt tự nhiên đang có nhu cầu ngày càng tăng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã thừa nhận điều này trong một báo cáo từ tháng 12 năm ngoái.
Trong đó, IEA cho biết "giá khí đốt tự nhiên giảm đáng kể, các nhà máy điện than ngừng hoạt động, sản lượng điện gió và thủy điện thấp và nhu cầu làm mát cao ở một số khu vực đã khiến tỷ trọng khí đốt tăng lên", đạt 45% tổng sản lượng điện vào những tháng mùa hè năm 2023.
Nhu cầu khí đốt sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu về điện tăng và không có lượng công suất điện mặt trời và gió mới nào thực sự có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu này. Điều này có thể trở thành vấn đề vì việc xây dựng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới thậm chí còn không hợp thời bằng việc xây dựng các cơ sở điện mặt trời.
Đầu năm nay, Upstream đã báo cáo dữ liệu từ Ủy ban quản lý năng lượng liên bang tiết lộ rằng chỉ có 67 MW công suất phát điện khí đốt tự nhiên mới được bổ sung trong bốn tháng đầu năm. Con số này so với mức ấn tượng hơn nhiều là 5,1 GW trong cùng kỳ năm 2023. Các dự án năng lượng mặt trời bổ sung trong cùng kỳ đạt 7,9 GW, tăng so với mức 3,8 GW của năm ngoái.
Trong khi đó, việc xây dựng một nhà máy khí đốt tự nhiên mới trở nên khó khăn hơn do các quy định về khí thải của EPA được cập nhật, đặt ra các yêu cầu nặng nề và tốn kém đối với các nhà phát triển, khiến họ phải cân nhắc kỹ trước khi xây dựng bất kỳ nhà máy mới nào. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi vì trí tuệ nhân tạo.
Doug Kimmelman, người sáng lập kiêm đối tác cấp cao tại Energy Capital Partners, công ty đầu tư vốn tư nhân, đã nói với tờ Financial Times vào đầu năm nay rằng: "Khí đốt là nguồn năng lượng duy nhất tiết kiệm chi phí, có khả năng cung cấp loại năng lượng đáng tin cậy 24/7 mà các công ty công nghệ lớn yêu cầu để thúc đẩy sự bùng nổ AI".
“Sẽ không thể thực hiện được nếu không có khí đốt”, giám đốc điều hành EQT Toby Rice cho biết khi vấn đề nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông, cùng với vấn đề điện khí hóa, vốn đang được quảng bá là một phần thiết yếu của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Mặc dù rất thiết yếu, nhưng việc điện khí hóa giao thông, sưởi ấm và nấu nướng cũng sẽ tạo ra nhu cầu mới và gây thêm căng thẳng cho lưới điện. Đổi lại, điều này sẽ củng cố sự phát triển của năng lượng hydrocarbon vì năng lượng hạt nhân vẫn không được ưa chuộng do chi phí xây dựng cao.