Dự phóng lợi nhuận các doanh nghiệp thép lớn quý 2/2025
Kết quả kinh doanh quý 2/2025 của hầu hết các doanh nghiệp thép được dự báo sẽ cải thiện so với quý trước nhờ diễn biến thị trường nội địa thuận lợi.

Hòa Phát hiện là doanh nghiệp có thị phần HRC lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Tập đoàn Hòa Phát
Trong báo cáo triển vọng ngành thép của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới công bố cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm 2025, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 13.016 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Trong đó, sản lượng bán hàng các nhóm sản phẩm thép (ngoài tôn mạ) đều ghi nhận sự tăng trưởng với động lực chủ yếu từ thị trường nội địa, nhờ nhu cầu ổn định từ hoạt động xây dựng trong nước.
Về thép xây dựng, thị trường nội địa ghi nhận tích cực từ cả thị trường miền Bắc (2,9 triệu tấn, tăng 28% YoY) và thị trường miền Trung (0,6 triệu tấn, tăng 30% YoY). Thép xây dựng Hòa Phát tiếp tục giữ vững thị phần số một với 2,1 triệu tấn tiêu thụ (tăng 15% YoY, chiếm 38% thị phần), theo sau là khối VN Steel. Sản lượng xuất khẩu đạt 771.000 tấn (giảm 7% YoY), trong đó thép xây dựng Hòa Phát đạt 381.000 tấn (giảm 28% YoY).
Về thép cuộn cán nóng (HRC), sản lượng của Hòa Phát đạt 1,8 triệu tấn (tăng 37% YoY), trong khi con số của Formosa chỉ đi ngang. Kể từ tháng 3/2025, Hòa Phát đã chính thức vượt qua Formosa để trở thành doanh nghiệp có thị phần HRC lớn nhất Việt Nam (đây là hai doanh nghiệp duy nhất sản xuất HRC trong nước), được hỗ trợ bởi mức thuế chống bán phá giá với HRC Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm từ nhà máy Dung Quất 2. Ngược lại, sản lượng xuất khẩu HRC của Hòa Phát lại giảm 48% YoY, chỉ đạt 232.000 tấn, do ảnh hưởng của biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường EU.
Về nhóm tôn mạ, sản lượng sản xuất và bán hàng đều giảm so với cùng kỳ khi các doanh nghiệp có xu hướng tập trung hơn vào thị trường nội địa. Tổng sản lượng xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 835.000 tấn (giảm 38% YoY), chịu tác động tiêu cực bởi chính sách bảo hộ của các thị trường xuất khẩu chính.
Ba doanh nghiệp có thị phần lớn nhất gồm HSG (27,1%), GDA (16%) và NKG (16%) ghi nhận mức sụt giảm ở kênh xuất khẩu lần lượt ở mức -53%, -82% và -98% YoY. Ở kênh nội địa, HSG đang dần chiếm phần lớn thị phần của miền Bắc và miền Trung, trong khi NKG và GDA duy trì tỷ trọng dẫn đầu tại thị trường miền Nam.
Về ống thép, tiêu thụ ống thép tăng nhẹ ở cả kênh xuất khẩu và nhập khẩu với tổng sản lượng lũy kế đạt 1,1 triệu tấn (+11% YoY). Ống thép Hòa Phát đạt 327.000 tấn (+24% YoY) với thị phần đạt 29%, theo sau là HSG với 168.000 tấn.

Tổng sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm thép (nghìn tấn).
Về giá bán, giá bán thép xây dựng và HRC nội địa nhìn chung ổn định. Giá thép thanh D10 tham khảo của HPG và một số doanh nghiệp dao động ở mức 13.300-13.800 đồng/tấn, do nhu cầu tiêu thụ và chi phí nguyên vật liệu sản xuất chưa có nhiều biến động. Xu hướng tương tự được ghi nhận với HRC với giá bán nằm quanh mức 490 USD/tấn. Kể từ mức đỉnh năm 2022, giá HRC Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang được duy trì ở mức thấp, trái ngược với diễn biến tại các thị trường như Mỹ và châu Âu (do chính sách thuế quan khiến các thị trường có hiện tượng tích trữ hàng).
Giá bán ống thép và tôn mạ chỉ tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2024. Giá tôn mạ tháng 3 hàng năm thường tăng do thị trường tiêu thụ diễn biến tích cực. Tuy nhiên, ngành tôn mạ hiện đang chịu nhiều áp lực đến từ giá HRC thấp và nhu cầu chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ. Vì vậy, các nhà máy trong giai đoạn này ưu tiên điều tiết sản lượng và hạn chế điều chỉnh giá chính thức, dẫn đến việc các thương nhân cũng kéo dài các chính sách kích cầu và điều chỉnh giá bán.

Sản lượng tiêu thụ HRC (nghìn tấn).
Với diễn biến trên, VDSC dự phóng doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) trong quý 2/2025 đạt 45.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 4.150 tỷ đồng, tăng 25% YoY.
Theo đơn vị phân tích, sự tăng trưởng của HPG trong quý 2/2025 sẽ đến từ sản lượng (thép xây dựng và thép cuộn cán nóng HRC) dự kiến tăng 20% so với quý trước, nhờ nhu cầu xây dựng trong nước và dự án Dung Quất 2 hoạt động tích cực (khoảng 70% công suất, giai đoạn 1). Cùng với đó là giá bán ổn định nhờ chính sách chống bán phá giá, trong khi giá than cốc ở mức thấp.
Với Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), VDSC dự báo doanh thu quý 2/2025 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 12% so với quý trước (QoQ) nhưng giảm 12% YoY; lợi nhuận ròng đạt 285 tỷ đồng, tăng 39% QoQ và tăng 4% YoY.
Sản lượng (tôn mạ và ống thép) của HSG được VDSC dự báo tăng 12% so với quý trước, đến từ nhu cầu xây dựng trong nước. Sản lượng ống nhựa dự kiến hồi phục 5% QoQ. Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ giá bán tốt và giá nguyên liệu tương đối ổn định.
Với Tôn Đông Á (mã GDA), đơn vị phân tích cho rằng doanh thu sẽ đạt khoảng 4.136 tỷ đồng, tăng 4% QoQ và giảm 31% YoY; lợi nhuận ròng đạt 77 tỷ đồng, tăng 22% QoQ và giảm 55% YoY. Sản lượng của GDA được cho là sẽ tăng nhẹ so với quý trước (4%), chủ yếu nhờ sản lượng từ thị trường nội địa. Giá nguyên liệu - thành phẩm tương đối ổn định, nhờ các hoạt động điều tra chống bán phá giá và nhu cầu từ thị trường nội địa.
Với Thép Nam Kim (mã NKG), VDSC dự phóng doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, giảm 7% QoQ và giảm 33% YoY; lợi nhuận ròng đạt 62 tỷ đồng, giảm 5% QoQ và giảm 59% YoY. Sản lượng của NKG giảm 7% so với quý 1/2025 do ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu.