Dự phòng tới 50% tỷ lệ ca đột quỵ nếu sàng lọc sớm biến chứng đái tháo đường
Nếu sàng lọc sớm biến chứng đái tháo đường và can thiệp sớm sẽ dự phòng được khoảng 50% tỷ lệ ca đột quỵ do đái tháo đường hoặc sàng lọc được bệnh lý mù lòa.
Nếu sàng lọc sớm biến chứng đái tháo đường và can thiệp sớm sẽ dự phòng được khoảng 50% tỷ lệ ca đột quỵ do đái tháo đường hoặc sàng lọc được bệnh lý mù lòa.
Trong hai ngày 18 và 19-12, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tổ chức hội thảo cập nhật chẩn đoán, điều trị bệnh đái tháo đường và biến chứng đái tháo đường năm 2020. Hội thảo là một phần nội dung thiết thực, cung cấp thông tin cho người dân trong khuôn khổ Hội trại đái tháo đường 2020.
Theo PGS, TS Tạ Văn Bình, Chủ tịch Trung ương Hội người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có hơn ba triệu người mắc đái tháo đường và có tới 65-70% người không được phát hiện bệnh đái tháo đường.
Người dân được khám sàng lọc miễn phí biến chứng đái tháo đường.
“Thực tế, những người mắc đái tháo đường tuýp 2 thì tối thiểu họ cũng đã mắc bệnh 10-15 năm. Tiền đái tháo đường cũng có biến chứng giống như người mắc đái tháo đường vào thận, mắt, thiếu máu cục bộ cơ tim, thiếu máu mạch não”, PGS Bình nói.
Hiện nay, đái tháo đường đang trẻ hóa và đã ghi nhận trẻ chỉ mới chín tuổi đã mắc đái tháo đường tuýp 2. Trong đại dịch Covid-19, người mắc đái tháo đường rất nguy hiểm vì theo thống kê trên thế giới, có hơn 85% ca mắc Covid-19 là người có bệnh lý nền đái tháo đường có biến chứng về thận hoặc thiếu máu cục bộ cơ tim.
TS, BS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, năm nay do đại dịch Covid-19, hội trại dinh dưỡng đái tháo đường năm nay được tổ chức quy mô nhỏ nhưng có nhiều hoạt động chuyên sâu. Ngoài giới thiệu sản phẩm, công nghệ, thuốc đái tháo đường mới nhất để người bệnh quan tâm hơn về sử dụng thuốc phòng chống biến chứng đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn còn tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí, sàng lọc sớm đái tháo đường cho những người có yếu tố nguy cơ, tiền đái tháo đường để có tư vấn, quản lý, theo dõi lâu dài.
TS, BS Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
“Bệnh nhân nào đang mắc bệnh đái tháo đường sẽ được nhân viên y tế sàng lọc sớm biến chứng mạch máu do đái tháo đường, bàn chân, mắt… Ba biến chứng mắt, thần kinh, mạch máu có tỷ lệ tử vong cao. Nếu sàng lọc sớm biến chứng, can thiệp sớm sẽ dự phòng được khoảng 50% tỷ lệ đột quỵ do đái tháo đường hoặc sàng lọc mù lòa, cắt cụt chi”, BS Tùng nói.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ em béo phì tăng cao tại một số vùng lõi ở thành phố lớn. Nếu không can thiệp ngay từ khi trẻ béo phì, thì sẽ khó phòng tránh được tình trạng kháng isullin, dẫn tới tỷ lệ mắc đái tháo đường cộng đồng tăng cao sau này.
"Hiện nay, đối tượng 20-30 tuổi mắc đái tháo đường chiếm tỷ lệ khoảng 20-30% (theo một nghiên cứu sơ bộ tại Ninh Bình). Tỷ lệ béo phì – đối tượng tiền đái tháo đường cũng tăng rất cao, chiếm tỷ lệ 10% ở một số vùng lõi", BS Tùng cho biết.
BS Tùng cho biết thêm, tỷ lệ mắc đái tháo đường tại Việt Nam năm 2008 là 5,7%, tại các vùng lõi là hơn 10%. Tuy nhiên, 12 năm qua, chúng ta chưa có điều tra cụ thể về tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường. Dự tính, đến nay tỷ lệ này khoảng 8-10%, còn tại thành phố lớn là 15% và tỷ lệ ca mắc tiền đái tháo đường cũng hơn 10%.
Thực thế hiện nay, bệnh nhân đái tháo đường chỉ chú ý kiếm soát đường huyết tốt nhưng việc điều trị biến chứng mắt, bàn chân, tim mạch, thận lại chưa được chú trọng. Vì thế, hội thảo lần này muốn nhấn mạnh đến sàng lọc biến chứng đáo tháo đường.