Dù sốt rét vẫn quấn màn ngồi dịch điện báo gửi chiến trường
Mỗi dịp gặp bà, được nghe bà kể kỷ niệm chi viện chiến trường miền Nam, tôi lại vô cùng xúc động. Bà chính là Trung tá Phạm Thị Thúy Mỳ, (SN 1950) nữ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nguyên cán bộ Khoa Mật mã, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an. Trong những câu chuyện bà kể, tôi nhớ nhất là những kỷ niệm về những tháng năm gian khổ chiến đấu chiến ở chiến trường Ban An ninh khu 5.
Bà Phạm Thị Thúy Mỳ nhớ lại, sau gần 3 năm vừa học tập nghiệp vụ, vừa luyện tập vô cùng vất vả, ngày 27/2/1971, đoàn công tác gồm 13 cán bộ cơ yếu, trong đó có bà chính thức xuất phát lên đường để chi viện cho Ban An ninh Cục miền Nam và Ban An ninh Khu 5. Sau 3 ngày đêm trên xe vừa đi vừa tránh máy bay địch, ngày 2/3/1971, đoàn đến trạm Cự Nẫm, tỉnh Quảng Bình. Vào đến đây, đoàn lại được cấp phát thêm lương thực, thực phẩm và thuốc dự phòng. Chia tay với 2 đồng chí lái xe, cả đoàn khoác ba lô, súng đạn, lương thực tiếp tục đi bộ hành quân theo sự hướng dẫn của đồng chí giao liên tiến vào rừng.
Đêm tối mịt mùng, dù có mang đèn pin nhưng không được bật vì giao liên thông báo địch mới thả một toán biệt kích. Mọi người luôn phải bám sát nhau, ba lô nặng trĩu, lội suối, trèo đèo bước chân trong đêm loạng choạng như muốn ngã. Đường xa, vác nặng, ngày đi đêm nghỉ, tay chống gậy, trèo đèo lội suối gian nan. Có những con dốc đi cả buổi mới hết, có đoạn dốc đứng, đầu người đi sau chạm gót chân người đi trước. Có những dốc đá tai mèo đi không cẩn thận, sẽ ngã xuống vực mất mạng.
Có những ngày phải băng qua những cánh rừng dày đặc côn trùng, hoặc những cánh rừng nham nhở bởi chất độc màu da cam do Mỹ thả xuống, cũng có những đêm hành quân qua các trọng điểm địch đánh phá hoặc băng qua đường 9 để khéo léo tránh những trận càn quét, bắn phá điên cuồng của địch. Phải mất gần 4 tháng luồn rừng đằng đẵng, vật lộn với mưa bom bão đạn, bà Thúy Mỳ và đồng đội mới đặt chân tới đất Quảng Nam, rồi về Ban An ninh Khu 5. Đó là một trong những địa bàn gian khổ, ác liệt nhất lúc bấy giờ.
Bà Mỳ chia sẻ, thời điểm đó, chiến tranh ngày càng ác liệt. Là lính cơ yếu bảo mật, bà và đồng đội luôn phải làm việc giữa rừng để đảm bảo bí mật. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, nơi làm việc là đất, còn nơi ngủ là những chiếc võng, chiếc tăng căng giữa rừng già, quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời. Suốt nhiều tháng ròng rã chẳng có lấy một hạt gạo, hạt muối, chỉ có củ sắn, rau rừng, măng rừng lót dạ thay cơm. Vào mùa hanh khô, nguồn nước cạn kiệt, khát đến cháy cả họng. Điện đài liên lạc bí mật không thể ở một nơi nào lâu được, để tránh sự phát hiện của địch, cứ hai tháng một lần bà và đồng đội lại phải hành quân, chuyển điện đài, máy móc trên vai đi tìm căn cứ mới. Đấy là chưa kể có những hôm, địch phát hiện ra trạm thông tin và rải bom càn quét.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, Thúy Mỳ đã bao lần may mắn thoát chết trong những giây phút cận kề, và cũng phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội bởi bom mìn của địch hay chết bởi rắn độc, lũ quét nơi nước độc, rừng thiêng. Nhưng những gian khổ, hiểm nguy ấy dường như càng khiến Thúy Mỳ thêm mạnh mẽ. Có những khi bom đạn địch vây ráp, phải di chuyển nơi làm việc, cõng những thùng tài liệu còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể chạy giặc, vậy mà cô Mỳ mảnh mai ngày ấy vẫn băng băng xuyên núi, xuyên rừng.
Bà Mỳ nhớ lại, cuộc sống ở Ban An ninh khu 5 lúc ấy gian khổ lắm. Có những lần vừa tới địa điểm mới căng xong mái tăng thì được lệnh di chuyển gấp. Có những khi mình ở quả đồi này, thì địch ở bên ngọn đồi bên kia, trèo lên cây là nhìn thấy địch. Địch càn quét lên căn cứ liên tiếp, chúng chặn các tuyến đường chi viện của miền Bắc và ngăn cản con đường vận chuyển lương thực và thực phẩm ở dưới đồng bằng lên. Tất cả CBCS vừa lo chống giặc, chạy càn, vừa làm mã dịch điện báo, kịp thời phục vụ công tác cho lãnh đạo, chỉ huy chiến sự. Có những tháng, căn cứ của ta phải di chuyển chỗ ở đến 3-4 lần.
Gian khổ nhất là, những khi địch đánh phá và càn quét lên căn cứ, các tuyến đường vận chuyển đều bị địch phong tỏa, lương thực không còn, mọi người thay phiên nhau vào các bản của đồng bào để đổi gạo, củ mì, bắp về cho cơ quan. Và chẳng hiếm khi cả cơ quan không còn một hạt gạo, cả tháng trời từ lãnh đạo cho đến chiến sĩ đều phải ăn rau rừng, măng dại, củ rừng cho qua ngày, cũng có khi phải ra các rẫy của đồng bào bị địch thả chất độc hóa học để mót những củ mì còn sót lại về ăn dù biết có thể nguy hại cho cơ thể. Nhiều trận B52 rải thảm, lương thực chẳng còn gì, quân tư trang bị mất hết. Có chị 6 tháng trời phải làm việc và sinh hoạt trên cây, vì mùa nước nổi.
Một kỷ niệm bà Mỳ mãi không quên, đó là một buổi chiều cuối tháng 5/1972, bà Mỳ đang lên cơn sốt thì nhận được bức điện hỏa tốc của Bộ Công an gửi tới. Dù đang sốt, rét run cầm cập, nhưng biết đó là bức điện quan trọng cần phải dịch ngay để kịp thời phục vụ công tác chiến trường, bà quấn vội chiếc màn vào người cho đỡ rét rồi lấy tài liệu ra dịch.
Nội dung bức điện ngắn rất quan trọng, mặc dù đã hơn 50 năm, nhưng bà vẫn nhớ như in nguyên văn nội dung: “... Địch đã phát hiện được địa điểm hội nghị An ninh khu 5 đang họp tại khu vực... thuộc tọa độ... gần sông Nước Leng... Địch đang điều quân càn quét và cho máy bay oanh kích trong ngày... yêu cầu di chuyển gấp...”.
Nhận được điện, các đồng chí lãnh đạo đã kịp thời tổ chức di chuyển địa điểm họp hội nghị ngay trong đêm hôm đó. Và đúng sáng hôm sau, máy bay địch ném bom chính xác địa điểm hội nghị dự kiến lúc đầu, sau đó đổ quân càn quét đúng như điện mật của Bộ Công an thông báo, giúp chúng ta tránh được những tổn thất rất lớn.
“Hồi ấy, những tin báo cơ mật từ Trung ương gửi vào chiến trường như vậy nhiều lắm, không chỉ đối với vùng căn cứ mà còn với những tổ điệp báo, các cơ sở và lực lượng của ta đang hoạt động trong lòng địch. Đặc biệt là những nơi cơ sở bị lộ hoặc có nội gián đầu hàng phản bội, nhờ mã dịch điện để thông báo kịp thời. Những khi có chiến dịch thì bộ phận cơ yếu hầu như làm việc suốt ngày đêm để kịp thời phục vụ sự chỉ đạo trên các chiến trường. Có những đồng chí sốt cao ngất đi trên bàn làm việc lúc nào không biết. Tỉnh dậy, lại tiếp tục mã dịch, không chịu nghỉ ngơi. Dù vất vả, song bù lại là những tin chiến thắng ở các chiến trường gửi về làm mọi người rất phấn chấn. Mà ở chiến trường thì không có phương tiện liên lạc nào nhanh và thuận tiện bằng thông tin - cơ yếu”, bà Mỳ chia sẻ.
Cuộc sống ở chiến trường khó khăn gian khổ, ác liệt là vậy nhưng ai cũng quyết tâm bám trụ địa bàn, tin tưởng về một ngày đất nước thống nhất.
Gần 50 năm chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, người nữ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam Phạm Thị Thúy Mỳ ngày ấy may mắn trở về sau chiến tranh. Bà đã kể lại cho con cháu, cho thế hệ hôm nay hiểu được phần nào những cống hiến hy sinh của cha anh, hiểu để sống tốt hơn và càng thêm nỗ lực hơn trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.