Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Làm rõ quy hoạch sử dụng đất

Ngày 10/3/2023, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: 'Góp ý về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)'.

Tham dự buổi tọa đàm có: Bà Phạm Thị Xuân - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; nhà báo Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống; ông Nguyễn Văn Vẻ - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam; các đại biểu là đại biểu Quốc hội, luật sư, chuyên gia...

Điều chỉnh quy hoạch cần thiết nhưng phải rất hạn hữu

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Phạm Thị Xuân nêu rõ, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được công khai lấy ý kiến trong nhân dân gồm 16 chương, 246 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung 41 điều mới và bãi bỏ 8 điều.

“Đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách quy định trong rất nhiều luật khác nhau, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân. Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai và đưa đất đai phát triển là nội dung hết sức quan trọng nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hệ thống hóa các Nghị quyết của Đảng.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các nội dung được lấy ý kiến góp ý. PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, trong Luật, vấn đề quy hoạch có thể đánh giá là quan trọng số một, cần đảm bảo cả chất lượng và về hình thức, phải dài hạn, phù hợp với địa phương và sự phát triển của đất nước; quy hoạch phải được công bố công khai, minh bạch theo đúng luật đến với người dân. Ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch cần thiết nhưng phải rất hạn hữu, phải có quy mô, phân cấp rõ ràng.

PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, quy hoạch không chuẩn, không khoa học, hạ tầng không phù hợp, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương đó, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, biến đổi khí hậu khu vực đó. Vì vậy, Quốc hội cần quan tâm hàng đầu đến vấn đề quy hoạch, quan tâm ngay từ khi xây dựng quy hoạch, tất cả các quá trình phải công khai minh bạch.

Nhà báo Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phát biểu tại Tọa đàm.

Nhà báo Khánh Toàn - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phát biểu tại Tọa đàm.

Cũng theo bà An, nên công bố công khai giá đất vào đầu năm. Giá đất phải theo nhu cầu thị trường và tính giá phải chuẩn, cần chọn phương pháp khoa học, học hỏi phương pháp của nước ngoài nhưng cần tính đến yếu tố môi trường tự nhiên xã hội, an ninh trật tự, hạ tầng cơ sở của nước ta...

Xác định giá đất có nhiều bất cập

Theo ông Đinh Ngọc Hà - Ban đất đai, Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường cũng quan tâm đến việc điều chỉnh quy hoạch. Theo ông Hà, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch phân khu cần được quy định chặt chẽ nếu không sẽ có các nhóm lợi ích trục lợi. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh vẫn còn tồn tại các vấn đề phức tạp, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất vẫn sẽ bị thay đổi, nếu không kiểm soát được điều chỉnh quy hoạch thì sẽ không đảm bảo được hài hòa lợi ích.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm.

Nói về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bà Hà Thị Minh Tâm, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho hay, vấn đề giao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh về thực hiện qui hoạch chi tiết hiện nay chưa được qui định. Điều này cũng ảnh hưởng một phần trong quá trình thực hiện đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất bởi qui hoạch chi tiết thì giao cho UBND huyện, Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan trong quá trình thực hiện các thủ tục...

Việc xác định giá đất theo Luật Đất đai có nhiều bất cập là nhận định của luật sư Nguyễn Danh Huế - Công ty Luật TNHH Hừng Đông. Ông Huế ví dụ dự án nhà nước thu hồi để xây dựng công trình công cộng có giá đất thấp so với các dự án xã hội khác được thỏa thuận nên giá cao, tạo sự bất bình đẳng. Ông Huế cho rằng, để hài hòa được việc này rất khó, nên cần cố gắng xây dựng giá đất chuẩn, đảm bảo quyền lợi giá trị tương xứng cho người bị thu hồi đất...

Còn theo bà Trần Thị Minh Hà - Trưởng ban Đối ngoại Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Luật Đất đai cần đưa lên thành Bộ luật, đồng thời tổ chức truyền thông để người dân hiểu rõ quyền lợi trong sử dụng đất...

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, góp ý kiến về nhiều nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Công tác đấu giá quyền sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; các trường hợp thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; những giải pháp giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai...

PV

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-lam-ro-quy-hoach-su-dung-dat-153334.html