Dự thảo Luật Đường bộ: Bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu để trông, giữ xe
Hiện, nhiều gầm cầu được sử dụng để trông giữ xe ngày và đêm. Việc sử dụng gầm cầu làm bãi gửi xe vẫn còn nhiều vấn đề cần phải luận bàn…
Theo Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 9/10/2017 của Bộ GTVT, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.
Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho UBND các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định. Nếu theo Thông tư 35/2017/TT-BGTVT thì 4 vị trí trông giữ xe ở gầm cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Mai Dịch, Ngã Tư Vọng phải đóng cửa từ ngày 31/12/2018.
Bộ GTVT cho rằng, việc trông giữ xe ở gầm cầu không chỉ gây mất ATGT nếu để xảy ra cháy, nổ, mà còn là nguyên nhân gây ùn tắc trên các tuyến bố đi qua điểm trông giữ xe. Tuy nhiên, đến năm 2020, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận phương án của Sở GTVT Hà Nội về việc sử một số gầm cầu như Chương Dương, Ngã tư Vọng, Mai Dịch và Vĩnh Tuy để trông giữ phương tiện tạm thời.
Tiếp đó, ngày 25/7/2022, Bộ GTVT ban hành Văn bản hợp nhất số 333/VBHN-BGTVT quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Văn bản này tiếp tục quy định rõ: "Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác". Tuy nhiên, qua khảo sát của PV, hiện nay hàng loạt bãi xe tại những gầm cầu trên vẫn ngang nhiên hoạt động trông giữ xe cả ngày lẫn đêm.
Ghi nhận của PV, thời điểm hiện tại ở chân cầu Vĩnh Tuy, từ cột T2 đến cột T14 thuộc địa phận phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn là điểm trông giữ xe ngày và đêm. Mỗi chiếc xe vào gửi, nhân viên đưa một phiếu có thông tin như tên Cty quản lý kèm số điện thoại, BKS, số phiếu, thời gian gửi, điểm trông, giữ có dấu đỏ và thu giá 30.000 đồng ôtô/ban ngày. Còn muốn gửi theo tháng, thì chủ xe phải chi tới 2,3 triệu đồng. Với số lượng hàng trăm xe thường xuyên đỗ ở đây thì đơn vị trông giữ sẽ thu được nguồn lợi khủng từ hoạt động kinh doanh dưới gầm cầu này.
Còn tại gầm cầu vượt Đường Láng, thuộc địa bàn phường Láng Thượng cũng là một bãi trông giữ xe luôn luôn tấp nập ô tô, xe máy ra vào. Một người dân ở phường Láng Thượng cho hay, bãi xe này đã tồn tại từ nhiều năm nay. Trước kia, số lượng ô tô, xe máy gửi tại đây ít. Tuy nhiên thời gian gần gây, số lượng xe tăng cao do khu vực này gần Trung tâm Đăng kiểm 29-03V.
Cùng với khu vực Vĩnh Tuy, tại khu vực gầm cầu vượt Ngã tư Vọng cũng biến thành thành điểm trông giữ xe quy mô khá lớn. Được biết, ngã tư Vọng nằm trên trục đường Giải Phóng giao với đường Đại La, Trường Chinh. Đây là khu vực tập trung nhiều công trình như: công viên, BV (BV Bạch Mai, Viện Tai, mũi, họng) và các trường ĐH lớn nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông. Tuy nhiên, tại cầu vượt Ngã tư Vọng lại bị biến thành bãi trông giữ xe có dấu hiệu trái phép trong suốt thời gian qua, gây ảnh hưởng đến giao thông khi xe ra vào bãi.
Theo ghi nhận của PV, gửi xe ở gầm cầu vượt Ngã tư Vọng có giá 30.000 đồng/lượt. Nhân viên thu tiền trực tiếp của khách gửi xe, không có hóa đơn, chứng từ và vé xe. Do gần nhiều BV và trường ĐH lớn nên mỗi ngày có hàng trăm lượt ôtô nhộn nhịp ra vào gửi và lấy xe, nhiều thời điểm gây nên tình trạng ùn ứ. Tại đây, giữa người gửi và người nhận không có bất cứ giấy tờ, hợp đồng nào, chủ yếu do tin tưởng. Thực tế, các chủ xe buộc phải tin tưởng trao gửi tài sản của mình qua đêm, thậm chí cả tuần, cả tháng bởi không còn sự lựa chọn nào khác.
Ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng: “Việc lập các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu hoàn toàn trái các quy định của Nhà nước, gây áp lực cho giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm. Trong trường hợp này, địa phương và đơn vị tham gia quản lý, bảo vệ hành lang các gầm cầu vượt phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy định của Bộ GTVT".
Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ vừa gửi Quốc hội tờ trình Dự án Luật Đường bộ trên cơ sở tiếp thu, giải trình và chỉnh lý hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, dự án này được đổi tên thành Luật Đường bộ thay cho Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông. Quy định này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, Chính phủ quy định không sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng.
Về nội dung mới này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị quy định chặt chẽ theo hướng hạn chế tối đa việc sử dụng gầm cầu cạn, tránh lạm dụng. Cơ quan này đồng thời đề nghị cần có chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng điểm dừng, đỗ, trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ. Trong khi đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này vì việc sử dụng cần đúng mục đích, đúng công năng, bảo đảm an toàn cho công trình cầu cạn.
Theo quy định của pháp luật, hành vi lấn chiếm cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại khoản 6 Điều 12, Nghị định 100/2019 của Chính phủ. Nếu hành vi lấn chiếm gầm cầu giao thông mà hủy hoại hoặc gây hư hỏng tài sản mà chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể bị phạt tiền đến 5.000.000 đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu theo khoản 2 Điều 15, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, theo Điều 178, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì với trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ở mức cao nhất thì người vi phạm có thể bị phạt tù đến 20 năm tù, phạt tiền đến 100.000.000 đồng.
Khác với các điểm trông giữ xe thông thường, khu vực dưới gầm cầu có nhiều thuận lợi do không phải đầu tư lớn về hạ tầng. Tuy vậy, để việc trông giữ phương tiện được an toàn thì những khu vực này cần phải đảm bảo được những điều kiện về hạ tầng nhất định, bảo đảm ATGT cho các phương tiện và người tham gia giao thông, không gây ùn tắc. Trong bối cảnh khó khăn về hạ tầng giao thông tĩnh như hiện nay, việc tổ chức các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu là phù hợp.
Việc sử dụng không gian trống tại các gầm cầu trên địa bàn Thủ đô làm nơi trông giữ phương tiện tạm thời sẽ là một giải pháp hữu hiệu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để việc khai thác các điểm đô xe đặc thù này được thực hiện một cách hiệu quả thì những quy định về đảm bảo an toàn trong giao thông, đảm bảo phòng chống cháy nổ cũng cần được quản lý chặt chẽ và thực hiện một cách đầy đủ.