Dự thảo Luật Hàng không dân dụng mở đường cho ngành tăng trưởng đột phá
Với những sửa đổi, bổ sung mang tính chiến lược, dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng cho ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới.

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam sẽ tháo gỡ vướng mắc và tạo động lực phát triển bền vững cho lĩnh vực hàng không dân dụng
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho ngành hàng không, vốn đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Dự thảo này được kỳ vọng sẽ kế thừa những quy định đã chứng minh hiệu quả, đồng thời cập nhật, bổ sung để phù hợp với bối cảnh mới, tháo gỡ vướng mắc và tạo động lực phát triển bền vững cho lĩnh vực hàng không dân dụng nước nhà.
Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi) tập trung vào một số nội dung cốt lõi như: Làm rõ vai trò nhà chức trách hàng không và an ninh hàng không; quy định rõ ràng Bộ Công an là cơ quan quản lý nhà nước về an ninh hàng không, đồng thời phân định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho các nhà chức trách liên quan. Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phối hợp trong lĩnh vực an ninh hàng không.
Một điểm đáng chú ý là dự thảo cho phép các hoạt động hàng không dân dụng của lực lượng vũ trang và cơ quan nhà nước được thực hiện theo Luật này khi chưa có quy định riêng. Quy định này không chỉ làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, phù hợp với Công ước Chicago 1944, mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động bay công vụ, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan chức năng ngày càng hiện đại hóa trang bị.
Dự thảo cũng điều chỉnh quy định về ký kết hợp đồng lao động giữa nhân viên hàng không và tổ chức sử dụng lao động, nhằm hài hòa với Bộ luật Lao động hiện hành, đồng thời bảo đảm tính linh hoạt trong việc tổ chức nguồn nhân lực theo mô hình thị trường hàng không quốc tế.
Các sửa đổi trong dự thảo hướng tới việc tuân thủ các điều ước quốc tế, nâng cao chỉ số tín nhiệm quốc gia theo khuyến cáo của Nhóm công tác hàng không AWG. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không Việt Nam tiếp cận tín dụng khi thuê, mua tàu bay, từ đó mở rộng đội bay và năng lực cạnh tranh.
Dự thảo điều chỉnh các quy định về quy hoạch, đầu tư và khai thác cảng hàng không theo hướng linh hoạt, phù hợp với mô hình quốc tế phổ biến. Đặc biệt, dự thảo khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực then chốt này. Nguyên tắc được xác lập là Nhà nước thống nhất sở hữu công trình hạ tầng quan trọng; nhà đầu tư chỉ được quyền quản lý, khai thác theo hợp đồng. Việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện minh bạch theo các luật hiện hành về đầu tư, đấu thầu, xây dựng, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi các quy định liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển, nhằm làm rõ trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hành khách khi tham gia vận chuyển hàng không. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, điều hòa hoạt động khai thác tại cảng hàng không, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến, vốn là nỗi lo của nhiều hành khách.
Cuối cùng, dự thảo điều chỉnh quy định liên quan đến hoạt động hàng không chung, hàng không chuyên dùng và vận chuyển hàng không thương mại. Việc phân loại này sẽ đồng bộ với Công ước Chicago, giúp cải thiện công tác quản lý, đảm bảo an toàn và tối ưu hóa việc khai thác vùng trời tầm thấp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.