Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị: Cần đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương
Sáng 3/10, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Quản lý phát triển đô thị (Luật QLPTĐT).
Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng; cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan; lãnh đạo Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; Sở Xây dựng địa phương; các Hội, Hiệp hội và chuyên gia…
Phát triển đô thị Việt Nam văn minh, hiện đại, bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Qua nghiên cứu, đánh giá rà soát thận trọng, Bộ Xây dựng đã báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Luật QLPTĐT là công cụ để QLPTĐT. Chính phủ đã thông qua trong chương trình xây dựng pháp luật. Trên cơ sở đó, Bộ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Bộ trưởng nhận định, Luật QLPTĐT rất khó, phạm vi rộng, với hơn 900 đô thị, có đặc điểm khác nhau. Thực tế quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật có Luật QLPTĐT.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Tổ biên tập và các cơ quan tham mưu của Bộ Xây dựng bước đầu có dự thảo với các chương, điều cụ thể. Để hội nghị đạt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện các Bộ, ngành, địa phương cho ý kiến về cấu trúc của Luật nhằm đảm bảo tính logic, chặt chẽ, khả thi. Đồng thời, đóng góp ý kiến cụ thể vào từng chương, điều dự thảo Luật, đảm bảo tính toàn diện và yêu cầu cần thiết để quản lý quá trình PTĐT.
Với yêu cầu, tầm quan trọng của Luật, Bộ trưởng mong muốn Ban soạn thảo, Tổ biên tập phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực để đảm bảo mục tiêu có dự thảo Luật bám sát 5 chính sách đề ra, tạo hành lang pháp lý để đô thị Việt Nam phát triển tốt hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Định hướng PTĐT văn minh, hiện đại, bền vững
Tại phiên họp, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục PTĐT cho biết, ngày 8/6/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và thông qua đề nghị xây dựng Luật QLPTĐT. Trình bày tóm tắt dự thảo Luật QLPTĐ, Cục trưởng Cục PTĐT Trần Quốc Thái cho biết, hiện có nhiều Luật được Quốc hội ban hành để điều chỉnh nội dung liên quan quản lý một đô thị.
Qua tổng kết đánh giá, rà soát quy định pháp luật cho thấy, về cơ bản nhiệm vụ quản lý đô thị bao gồm hai nhóm nhiệm vụ lớn. Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ quản lý, tổ chức đời sống dân cư đô thị, gồm: Quản lý dân cư, bảo đảm trật tự công cộng đô thị, an toàn giao thông, tạo công ăn việc làm; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; đấu tranh phòng chống tội phạm; thi hành pháp luật; dân tộc, tôn giáo...Hệ thống các luật hiện hành đã cơ bản điều chỉnh đầy đủ các nhiệm vụ này.
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ phát triển cơ sở vật chất, tài sản cố định của đô thị, gồm: Quản lý quỹ đất, quản lý nhà đô thị; xây dựng nhà ở, công trình; quản lý công sở; quản lý kiến trúc; sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ; bảo vệ môi trường; phòng chống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh...
Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất của đô thị là nền tảng phục vụ hoạt động, đời sống dân cư đô thị; đồng thời, định hình chất lượng các hoạt động của đô thị. PTĐT là thuật ngữ gắn với việc tạo lập, duy trì, cải tạo chỉnh trang hoặc tái phát triển hệ thống cơ sở vật chất, tài sản cố định của đô thị.
Nhiệm vụ thuộc nhóm hai đang được điều chỉnh riêng tại các Luật chuyên ngành như: Nhà ở, Đất đai, Kiến trúc, Quản lý sử dụng tài sản công, Bảo vệ môi trường, Di sản văn hóa, Quy hoạch... Mỗi Luật điều chỉnh một nội dung riêng có liên quan đến tạo lập cơ sở vật chất của đô thị.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục PTĐT cho biết, pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh nhiệm vụ rất quan trọng của nội hàm PTĐT gồm: Xác định rõ các yêu cầu cần đạt được của mỗi giai đoạn phát triển đô thị; Cách thức đánh giá và tiêu chí phân loại đô thị gắn với đánh giá tổng thể chất lượng đô thị và cập nhật các trường hợp PTĐT có tính chất đặc thù; Xác định nhiệm vụ để tổ chức thực hiện PTĐT sau khi có quy hoạch đô thị. Tổ chức PTĐT theo đặc điểm từng khu vực của đô thị (phát triển mới, cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị) gắn với yêu cầu đô thị văn minh, hiện đại về chất lượng nhưng đậm đà bản sắc đặc trưng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, phòng chống thiên tai.
Ngoài ra, chưa có quy định về phát triển bền vững hệ thống đô thị, liên kết. Hầu hết các vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị hiện nay mới chỉ quy định nguyên tắc, quy định tại văn bản dưới Luật, hiệu lực không cao.
Do vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật được giới hạn. Luật này điều chỉnh về quản lý, đánh giá, phân loại đô thị, quản lý phát triển bền vững đô thị, hệ thống đô thị; phát triển mới đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, tái phát triển đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, không gian ngầm đô thị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý PTĐT...
Với phạm vi điều chỉnh như vậy, Luật QLPTĐT sẽ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng cho PTĐT lâu dài ở nước ta, quy định việc đánh giá kết quả PTĐT theo các mô hình đô thị văn minh, hiện đại, bền vững. Quy định việc tổ chức thực hiện PTĐT theo quy hoạch đô thị để bảo đảm mục tiêu, kết quả cần đạt được theo các tầng bậc trình độ phát triển và tính chất, quy mô phát triển đô thị. Quy định chung, tổng hợp về các yêu cầu, điều kiện, cơ sở cho phát triển mới đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, tái phát triển đô thị.
Đồng thời, bổ sung các quy định điều chỉnh các lĩnh vực chưa có Luật như: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian ngầm, không gian công cộng, không gian trên cao và cảnh quan đô thị.
Phạm vi điều chỉnh nêu trên của đề xuất Luật QLPTĐT có quan hệ chặt chẽ với các Luật hiện hành hoặc các dự án Luật đang nghiên cứu, sửa đổi (Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Cấp thoát nước...) nhưng không chồng chéo.
Quan tâm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn
Cấu trúc dự thảo Luật QLPTĐT được xây dựng gồm 7 Chương, 100 điều. Chương 1: Những quy định chung. Chương 2 là hệ thống đô thị, phân cấp, phân loại đô thị (gồm 02 Mục). Chương 3 quy là chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị và quản lý các khu vực PTĐT (gồm 3 mục). Chương 4: Quản lý phát triển hạ tầng đô thị (gồm 02 mục). Chương 5: Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị. Chương 6: Trách nhiệm quản lý phát triển đô thị. Chương 7: Điều khoản thi hành.
Tại phiên họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ, thống nhất, nội dung tại các chương điều của Dự thảo Luật; thể hiện được nhiều nội dung mới và khó.
Các đại biểu, chuyên gia đồng thời, tích cực góp ý hoàn thành dự thảo Luật về xây dựng cấu trúc; tránh trùng lặp về nội hàm. Cải tạo chỉnh trang PTĐT gắn kết với Luật Đất đai; Xây dựng tiêu chí đô thị xanh, thông minh để có cơ sở chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện; Quan tâm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, cá thể hóa trách nhiệm quản lý đô thị; Tập trung vào chính sách cụ thể để địa phương quản lý phát triển đô thị; Bổ sung quy định về cây xanh…
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao các ý kiến góp ý tại phiên họp và đề nghị Tổ biên tập tiếp thu, sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.
Liên quan đến cấu trúc dự thảo Luật, Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo đảm bảo sự gắn kết về nội dung, dễ theo dõi, tìm hiểu và áp dụng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến cuộc họp, Tổ soạn thảo cần rà soát các chính sách liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Ban soạn thảo bám sát cụ thể hóa quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến PTĐT; bám sát chủ trương Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bám sát theo quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục lắng nghe ý kiến của địa phương, các hội nghề nghiệp, chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm quốc tế…
Liên quan đến bền vững trong PTĐT, Bộ trưởng chỉ đạo phải quy định rõ các tiêu chí đô thị đặc thù trong Luật. Vấn đề đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, thiên tai, tạo lập không gian đô thị để chất lượng sống tốt, cơ sở dữ liệu đô thị, nguồn lực PTĐT hơn cần quy định rõ. Đồng thời, quy định rõ thẩm quyền, vai trò tham gia của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội trong quản lý, phát triển đô thị… Phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; phân cấp tối đa cho chính quyền địa phương.