Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật: Bảo đảm vừa quản lý được nhưng phải kiến tạo phát triển

Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy định về công bố hợp quy là công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Nếu không có tiêu chuẩn để quản lý, giám sát sẽ ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, cộng đồng và môi trường.

Bổ sung quy định trường hợp loại trừ không phải công bố hợp quy

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày nêu rõ, về công bố hợp quy (Điều 48 dự thảo Luật), có ý kiến đề nghị cân nhắc khi đồng thời quy định về thủ tục công bố, chứng nhận hợp quy và thủ tục cấp Giấy phép lưu hành hoặc số đăng ký đối với một số sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật chuyên ngành.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 3 Điều 26a); đồng thời, bổ sung quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy và thể hiện như tại Điều 69a dự thảo Luật.
Quy định như vậy sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục công bố hợp quy theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu, biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành.

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cũng cho biết, có ý kiến cho rằng việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa trong nhiều trường hợp bị lặp lại, gây tốn kém chi phí, tăng thời gian cho doanh nghiệp, làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, tại Điều 48 dự thảo Luật đã bổ sung quy định về công bố hợp quy được dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận hoặc đăng ký theo quy định của pháp luật để hạn chế việc phải thực hiện thử nghiệm, chứng nhận lặp lại, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau, cho phép được thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết FTA thế hệ mới (Điều 57 dự thảo Luật). Việc quy định như vậy không làm cản trở, chậm trễ hoạt động xuất khẩu.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận thấy, với hồ sơ, các cơ quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo luật đã rất nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng báo cáo đã thể hiện khá đầy đủ ý kiến của các ĐBQH và thể chế hóa thành nhiều điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật. Qua đó, đã khắc phục được những khoảng trống pháp lý so với luật hiện hành, giải quyết được những bất cập trong thực tiễn áp dụng thời gian qua.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quan tâm đến quy định về công bố hợp quy tại Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình cao với việc bổ sung nguyên tắc mỗi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quá trình hoặc môi trường chỉ được điều chỉnh bởi một quy chuẩn kỹ thuật thống nhất trên phạm vi toàn quốc, trừ trường hợp được phân cấp, phân quyền theo quy định của pháp luật trong dự thảo Luật.

“Điểm a khoản 3 Điều 26a quy định về trường hợp không phải công bố hợp quy khi đã bảo đảm yêu cầu biện pháp quản lý tương ứng trong các luật chuyên ngành ở Điều 69a. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng phải thực hiện đồng thời 2 thủ tục, giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần rà soát lại quy định tại Điều 69a và bổ sung quy định về trường hợp loại trừ không phải công bố hợp quy tại Điều 48”, đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến ĐBQH đề nghị không nên quy định về công bố hợp quy trong dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực chất cho doanh nghiệp phát triển.

Nên quản lý theo hướng phân loại hàng hóa

Về trách nhiệm khi công bố sai lệch hợp chuẩn, hợp quy tại Điều 41, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật đã nêu các yêu cầu chung đối với việc đánh giá sự phù hợp nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi công bố sai lệch hoặc gian dối trong công bố hợp chuẩn, hợp quy trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong quản lý chất lượng sản phẩm.

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc thiếu chế tài đối với hành vi này là một kẽ hở nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả về an toàn sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng đến niềm tin thị trường và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị bổ sung vào Điều 41 hoặc một điều riêng trong chương về đánh giá sự phù hợp, quy định rõ tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý công bố sai lệch về kết quả đánh giá hợp chuẩn, hợp quy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả.

Đại biểu kiến nghị giao Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hướng dẫn về mức độ xử lý vi phạm theo từng hành vi, từ thu hồi giấy công bố, phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định rõ cơ chế thanh tra, hậu kiểm định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức, đánh giá sự phù hợp, đặc biệt là các tổ chức ngoài nhà nước.

Giải trình, làm rõ ý kiến ĐBQH nêu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy định về công bố hợp quy là một công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Nếu không có tiêu chuẩn để chúng ta quản lý, giám sát sẽ ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng và môi trường.

Theo Phó Thủ tướng: "Chúng ta vẫn phải quản lý nhưng phải thay đổi phương thức và cách quản lý. Vấn đề đặt ra là quản lý loại hàng nào, quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào để vẫn bảo đảm được công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường để không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, không ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội nhưng phải thuận lợi hóa cho các hoạt động của doanh nghiệp, giảm chi phí, giảm thời gian tuân thủ và tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam?

Phó Thủ tướng cho rằng, nên quản lý theo hướng phân loại hàng hóa, loại nào có rủi ro cao thì bắt buộc phải tiền kiểm, bắt buộc phải có quy định và thực hiện ngay từ bước đầu trước khi đưa ra thị trường; còn loại hàng nào cho phép thực hiện thì tiến hành hậu kiểm.
“Nếu chúng ta bãi bỏ quy định này thì rất khó cho công tác quản lý nhà nước, nhưng nếu có mà lại tạo rào cản, tăng chi phí hay tăng thời gian, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thì cũng không được”.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ sẽ rà soát lại các quy định theo tinh thần “vừa quản lý được nhưng phải vừa kiến tạo cho phát triển” như chỉ đạo mới đây nhất của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Đồng thời, sẽ cùng cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng cao nhất khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/du-thao-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-tieu-chuan-va-quy-chuan-ky-thuat-bao-dam-vua-quan-ly-duoc-nhung-phai-kien-tao-phat-trien-10372061.html