Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều nội dung đột phá, đặc thù
Ủy ban Pháp luật Quốc hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với rất nhiều nội dung cụ thể trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho rằng dự thảo luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành
Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp sáng 20/9, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh nguyên tắc bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền. Do đó, các quy định trong dự thảo luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Song song với việc phân quyền thì trong luật cần thiết kế các quy định về điều kiện, biện pháp bảo đảm thực hiện và cơ chế kiểm soát quyền lực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu rõ việc xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, bởi đây không phải là đạo luật thay thế toàn bộ các luật hiện hành để áp dụng trên địa bàn Thủ đô. Luật Thủ đô không quy định lại những nội dung đã được quy định trong các luật khác mà chỉ tập trung vào những chính sách đặc thù, riêng biệt cho Thủ đô chưa được quy định hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với rất nhiều nội dung cụ thể và cho rằng dự thảo luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng nêu ý kiến về một số nội dung cụ thể.
Về các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, trong quá trình thẩm tra, có ý kiến trong cho rằng, việc quy định HĐND TP. Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn thành phố; quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.
Đối với việc thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, cơ quan thẩm tra tán thành với mục đích thành lập quỹ nhưng đề nghị làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước đối với việc Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, hỗ trợ hình thành và bảo đảm hoạt động ổn định ban đầu của quỹ. Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Liên quan đến các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành nhưng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi.
Chẳng hạn, xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách TP. Hà Nội được hưởng theo phân cấp; nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát và quản lý tài sản công; các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược,…
Bên cạnh đó, qua thẩm tra, cũng có ý kiến cho rằng việc giao HĐND thành phố được quyết định áp dụng trên địa bàn một số loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí là chưa phù hợp với nguyên tắc xác định mức thu phí, lệ phí bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Luật Phí và lệ phí.
Có ý kiến đề nghị không nên thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các di tích, di sản văn hóa vì những công trình này cần được quản lý, gìn giữ gắn với trách nhiệm của Nhà nước; không quy định việc thực hiện hình thức hợp đồng theo phương thức xây dựng - chuyển giao (BT) vì bản chất dự án BT là Nhà nước đặt hàng hoặc thuê một nhà đầu tư xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Nhà nước, đổi lại, Nhà nước sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng tiền hoặc bằng tài sản công…
Báo cáo cấp có thẩm quyền về việc cho phép Hà Nội tăng biên chế
Trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, Chính phủ cho biết có nội dung đề nghị xin ý kiến là về biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức của thành phố Hà Nội. Trên cơ sở Thông báo số 1955/TB-VPQH của Văn phòng Quốc hội và yêu cầu của thực tiễn, dự thảo luật quy định thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng căn cứ vào yêu cầu và khả năng cân đối ngân sách.
Quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt, chủ động cho TP. Hà Nội trong việc quyết định biên chế. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định này có nội dung khác với quy định của Đảng về quản lý hệ thống biên chế của hệ thống chính trị.
Về việc này, Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định của dự thảo luật về nội dung này chưa rõ ràng, chưa xác định rõ trách nhiệm quyết định việc tăng thêm biên chế cho TP. Hà Nội là của cơ quan nào.
Hiện tại, Bộ Chính trị là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị. Vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định cụ thể tổng biên chế của cả hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.
Do đây là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến việc thể chế hóa chủ trương của Trung ương về không tăng biên chế cán bộ, công chức và thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị nên Ủy ban Pháp luật đề nghị cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định vào luật./.