Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đánh giá cao
Sáng 9/10, Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban công tác tư pháp 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.
Sơ kết công tác tư pháp 9 tháng đầu năm 2023 Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đồng chí Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí Phó Giám đốc Sở, Trưởng các phòng chuyên môn, đại diện lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, Phòng công chứng, Phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết, để triển khai tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội, trong năm 2023, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 341/KH-UBND ngày 28/12/2022 về công tác tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 và các kế hoạch cụ thể trên từng lĩnh vực công tác.
Căn cứ kế hoạch trọng tâm công tác tư pháp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 của UBND TP và tình hình thực tế tại địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng và ban hành các kế hoạch công tác tư pháp.
Theo đó, về công tác xây dựng, thẩm định, góp ý và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tính đến 14/9/2023, HĐND TP đã ban hành 10 nghị quyết quy phạm pháp luật, UBND TP đã ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật, các văn bản TP ban hành được Sở Tư pháp TP thẩm định trước khi các Sở, ngành trình.
Nội dung báo cáo thẩm định, góp ý của Sở Tư pháp TP tập trung vào các vấn đề theo quy định của Luật bàn hành văn bản như: đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với hệ thống pháp luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo với các quy định trong văn bản đã giao cho HĐND, UBND TP quy định chi tiết,…
Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Sở đã triển khai hoạt động cung cấp thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật TP Hà Nội. Đăng tải 121 bài giải đáp và thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Triển khai kế hoạch xây dựng và phát sóng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sở đã tổ chức 11 cuộc tập huấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL tại các quận, huyện, thị xã thường xuyên được Sở đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra; chất lượng ban hành VBQPPL ngày càng được đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống VBQPPL giữa cấp huyện với thành phố và trung ương.
Đặc biệt, Sở đã tham mưu TP phối hợp với Bộ Tư pháp để xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, sau khi tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ tháng 3/2023, UBND TP Hà Nội và Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật đã xây dựng dự thảo Luật để bước đầu thể chế hóa các chính sách được phê duyệt, nhằm kịp thời chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu phục vụ Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật.
Sở tham mưu UBND TP phối hợp với Bộ Tư pháp làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập để lấy ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các Sở, ngành TP, các chuyên gia, nhà khoa học để tập trung hoàn thiện, chỉnh lý chi tiết đối với từng nội dung, điều khoản quy định cụ thể của dự thảo Luật.
Ngày 14/8/2023, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau thẩm định, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ. Dự thảo Luật được Chính phủ đánh giá cao và đã được thông qua; đồng thời chỉ đạo Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật. Đến nay, hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh việc tham mưu triển khai xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Sở cũng tham mưu UBND TP ban hành, tổ chức triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều hoạt động trên phát thanh truyền hình, tin bài trên các báo Trung ương và TP trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và Nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia vào cuộc để đóng góp xây dựng dự thảo Luật.
Ông Ngô Anh Tuấn thông tin, về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác hành chính tư pháp và lý lịch tư pháp; công tác bổ trợ tư pháp; công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, tiến độ, kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua khen thưởng.
Tại hội nghị, các đồng chí Trưởng các phòng chuyên môn, đại diện lãnh đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đại hiện Hội công chứng viên, Trưởng phòng Tư pháp các quận, huyện, thị xã đã có phát biểu, nêu những khó khăn, vướng mắc, những điều đã làm được, chưa làm được cũng như định hướng 3 tháng cuối năm, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Kết luận hội nghị, ông Ngô Anh Tuấn đề nghị các phòng nghiệp vụ cũng như các phòng tư pháp rà lại kế hoạch từ đầu năm, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính liên quan đến 26 quận, huyện, đề nghị các đồng chí quan tâm bảo quản, bàn giao hồ sơ tài liệu về hộ tịch, đảm bảo không gián đoạn giao dịch hành chính đối với công dân, tổ chức; thực hiện đúng hướng dẫn về việc bảo quản bàn giao hồ sơ hành chính, hồ sơ tài liệu hộ tịch,…