Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi: Hoàn thiện các chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Chiều 11/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài''.
Tham dự Tọa đàm có TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội); TS. Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật Hành chính – nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh cho biết, chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách được kế thừa và phát triển từ quy định của Luật Thủ đô năm 2012. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các quy định này đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.Chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài của TP chưa đủ sức hấp dẫn, về cơ bản chưa đáp ứng được mục tiêu như mong muốn.
Vì vậy, để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ cần ''có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế''. Để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết 15, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 02 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Trong đó có đưa ra các quy định về đối tượng, quy định các chính sách kèm theo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để quy định có tính khả thi hơn, cũng cần trao quyền cho HĐND TP ban hành văn bản quy định cụ thể hơn các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ.Theo ông Khánh, việc kỳ vọng về việc thu hút và giữ chân được người tài, cũng cần lưu ý đến một số điều kiện đảm bảo khác như xây dựng môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho người tài thăng tiến và cống hiến… Đây là yếu tố quyết định để giữ chân và phát huy tiềm năng của nhân tài.
Tại Tọa đàm, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, để thu hút trọng dụng nhân tài tốt, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Thủ đô trong thời gian tới, trong dự thảo Luật đã có một số quy định tạo điều kiện thuận lợi. Ví dụ như về biên chế, quy định giao cho Hà Nội quyết định biên chế trên cơ sở vị trí việc làm, và chịu trách nhiệm quyết định của mình; cùng với có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Muốn có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phải xác định tiêu chí thế nào là nhân tài, sau đó xây dựng các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp. Sau khi đã tìm được nguồn thì phải có chính sách bồi dưỡng đào tạo và giao việc để họ được khẳng định và trưởng thành trong công việc. Nếu không có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài tốt thì chính chính sách đặc thù trong dự thảo Luật sẽ khó thực hiện được như mong muốn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút nhân tài ở xã hội hiện đại, TS. Nguyễn Viết Chức đồng tình với việc dùng đúng người, phân công công việc rõ theo vị trí việc làm, công tác cán bộ, chính sách phải cụ thể. Người tuyển dụng, lựa chọn nhân tài phải là người có tầm nhìn, tuyển đúng người, đúng việc. Vì vậy, theo TS. Chức, nên chăng đặt vấn đề về trách nhiệm, quyền lợi của người tuyển dụng, người tiến cử nhân tài.
“Người cán bộ đi tìm người tài, người giỏi để hoàn thành nhiệm vụ mình được phân công phải được khen thưởng, thăng cấp chứ không nên khen thưởng theo cấp bậc, chức vụ vì đây là việc lớn, liên quan đến con người” – TS. Nguyễn Viết Chức nói.
TS. Đoàn Thị Tố Uyên thì cho rằng, kết quả thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút, trọng dụng được người tài. Điểm mới trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi là thay đổi, mở rộng thêm các đối tượng; đồng thời, thể hiện tinh thần phân quyền của Trung ương cho HĐND TP Hà Nội. Nếu HĐND TP ban hành nghị quyết sẽ cụ thể hóa được cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, điều kiện thế nào để trở thành nhân tài, phải chia ra các nhóm khác nhau. Khi chính sách này được áp dụng, phải quy định rõ công việc, vị trí việc làm thế nào để thể hiện được chính sách vượt trội. Cùng đó, có cơ chế, thủ tục tuyển dụng đơn giản; khi tuyển dụng vào rồi phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch, điều chỉnh chính sách.
Quan trọng nhất, theo TS. Đoàn Thị Tố Uyên, đó là phải có môi trường phát huy được năng lực, đảm bảo điều kiện về lương, chính sách vượt trội mới có thể giữ chân được người tài. Do đó, Hà Nội phải cụ thể hóa trong nghị quyết của HĐND TP.