Dự thảo Luật Việc làm: Cần mở rộng thêm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm

Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) với nhiều thông tin quan trọng về việc hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động được quy định tại dự thảo luật.

Giải trình, làm rõ những vấn đề trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Việc làm 2023 sau 10 năm có nhiều quy định hiện không còn phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, Luật Việc làm 2013 thiếu cơ chế để phát huy đa nguồn lực xã hội, không theo kịp xu thế và thiếu các cơ chế thúc đẩy giải quyết việc làm.

Tại Việt Nam, trong những năm qua mặc dù có tiến bộ, song tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động nhìn chung chậm. Lao động phi chính thức điều kiện thụ hưởng còn thấp, rủi ro và thiếu bền vững. Cùng với đó, các chế định tham gia hỗ trợ việc làm còn nhiều bất cập. Nhìn chung, thị trường lao động manh mún và thiếu liên thông; Đào tạo nhân lực thiếu những khâu đột phá mạnh, nhất là ở nhân lực chất lượng cao…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin thêm, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tiếp tục được hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ hơn thể chế góp phần quản trị, đặc biệt là tạo ra khung khổ pháp lý để tạo thêm việc làm, nhân sự chất lượng, năng suất lao động cao.

Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ tập trung vào vấn đề nguyên tắc, thúc đẩy kinh tế xã hội để giải quyết, gia tăng việc làm, cải thiện hệ thống hỗ trợ việc làm, dịch vụ công về việc làm, tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động và cương quyết xóa bỏ thể chế bất bình đẳng trong việc làm. Dự án luật được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hệ sống an sinh xã hội, thúc đẩy tạo việc làm, việc làm chất lượng cao, trong đó nhà nước, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ đạo, người lao động giữ vai trò chủ động trong công việc. Bên cạnh đó, các quy định mới cũng sẽ kích hoạt các nguồn lực của xã hội, sự tham gia của cả xã hội và tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội.

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với việc sớm ban hành Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm; khắc phục các tồn tại, hạn chế trong Luật Việc làm năm 2013; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Liên quan đến về vấn tín dụng chính sách giải quyết việc làm, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) chỉ ra, tại điểm a, khoản 2 quy định nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm: Ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển khác. Đối với nguồn vốn Trung ương, vị đại biểu đề nghị Chính phủ quy định nguyên tắc phân bổ nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương đến các ngân hàng chính sách xã hội địa phương. Trong đó có ưu tiên phân bổ nguồn vốn nhiều hơn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phụ thuộc lớn vào ngân sách Trung ương. Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, các địa phương này nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng nguồn thu ngân sách hạn hẹp nên việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội cũng không nhiều.

Để có thêm nguồn vốn cho chương trình giải quyết việc làm, Chính phủ cần nghiên cứu xem xét, có cơ chế chuyển nguồn vốn cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, không giải ngân được (do hết đối tượng thụ hưởng chính sách) sang chương trình cho vay giải quyết việc làm (có nhu cầu vốn cao nhưng không có nguồn để cho vay).

Liên quan đến các nhóm đối tượng được vay vốn, một số đại biểu nêu: cần thiết phải bổ sung thêm nhóm đối tượng vay vốn là người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.

Đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý, cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động và cân nhắc bổ sung chính sách vay vốn ưu đãi đối với một số nhóm người khác. Chẳng hạn nhóm người cận nghèo, người cao tuổi, người lao động bị tai nạn lao động nghiêm trọng, doanh nghiệp khởi nghiệp, các dự án tạo việc làm cho người lao động tại nông thôn, dự án phát triển hạ tầng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và các lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường cần có chính sách vay vốn ưu đãi.

Cũng với nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định hộ nghèo, hộ cận nghèo ở huyện đảo, xã đặc biệt khó khăn mới được vay vốn thì không công bằng với những hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những nơi khác. Ông Hòa nêu, vì sao chỉ quy định hỗ trợ cho xã đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn những hộ nghèo ở những nơi khác lại không được hỗ trợ. Quy định như vậy không hợp lý. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định hỗ trợ tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã đặc biệt khó khăn trong cả nước đều được hỗ trợ vay vốn.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-thao-luat-viec-lam-can-mo-rong-them-doi-tuong-duoc-vay-von-ho-tro-tao-viec-lam-158208.html