Dự thảo Quy hoạch điện VIII chưa đáp ứng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị
Đó là ý kiến của TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề cập đến mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện.
Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội mới đây đã tổ chức tọa đàm khoa học “Góp ý cho Quy hoạch điện VIII”, trong bối cảnh Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công thương rà soát và trình lại trước ngày 15/6 tới.
Tại tọa đàm, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công thương, tính toán và nhận định dự thảo Quy hoạch điện VIII hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về tỷ trọng năng lượng tái tạo theo điện lượng.
Đồng thời, hạn chế phát triển điện mặt trời trong 10 năm tới là sự lãng phí về nguồn tài nguyên trong nước.
Ông Lâm đánh giá quy hoạch điện cần đảm bảo trước hết là đủ điện, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với an ninh kinh tế và quốc phòng, cùng với đáp ứng hiệu quả đầu tư, cũng như bảo đảm môi trường, sức khỏe.
Trên thực tế, xu thế toàn cầu hiện nay là giảm nhiệt điện than, tăng năng lượng tái tạo. Tuy vậy, theo dự thảo, Việt Nam sẽ nhập 55 triệu tấn than tới năm 2025, 95 triệu tấn vào năm 2030 trong khi trong nước vẫn đang thừa các nguồn nội khác.
Do đó, Việt Nam cần xem xét giảm điện than, đặc biệt là than nhập, ông Lâm đề xuất.
Từ góc nhìn môi trường, GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, cảnh báo nhà máy nhiệt điện than có rất nhiều mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe người dân.
Ngay cả khi áp dụng công nghệ với hiệu suất cao thì các dự án điện than theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, với công suất khoảng 37GW, vẫn phát thải 247 tấn bụi/giờ, và lượng tro xỉ là khoảng 44 triệu tấn vào năm 2030.
Với những tác động như vậy, ông đánh giá việc hạn chế phát triển điện than và tăng cường phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam là cần thiết.
Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID), trong số khoảng 32,5 GW điện than dự kiến phát triển theo quy hoạch, khoảng 20,7 GW, tương ứng với 14 dự án, là rất khó khả thi để triển khai trong bối cảnh nguồn tài chính cho nhiệt điện than ngày càng thắt chặt.
Nếu tiếp tục đưa những dự án này vào quy hoạch điện VIII, nguy cơ cao sẽ lặp lại sai lầm của Quy hoạch điện VII điều chỉnh và ảnh hưởng lớn tới việc đảm bảo cung cấp điện, bỏ lỡ cơ hội thu hút nguồn vốn xanh.
PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia kinh tế năng lượng, phân tích và cho rằng thách thức lớn hiện nay là đảm bảo vốn đầu tư ở mức khoảng 12,8 tỷ USD mỗi năm khi dự thảo đặt mục tiêu khoảng 128 tỷ USD giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, cần phải tính toán lại bài toán kinh tế tối ưu cấu trúc hệ thống, không chạy theo phát triển quy mô hệ thống lớn để bảo đảm an ninh năng lượng bằng bất cứ giá nào, và chạy theo mong muốn không hợp lý của địa phương.
Ông Duệ nhấn mạnh để thực sự giải phóng được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo sự tham gia công bằng của các nhà đầu tư và thu hút được nguồn lực xã hội cho phát triển năng lượng.
Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) hồi đầu tháng này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện các giải pháp cải cách ngành điện, để giải phóng vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch.
Cụ thể, VSEA cho rằng quy hoạch cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn về lưới điện và tăng tính linh hoạt của hệ thống, đi kèm với đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh.
Về truyền tải, chính phủ nên đưa ra chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Để đảm bảo an ninh hệ thống, khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách.
Chia sẻ đồng quan điểm, Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính trong báo cáo giữa tháng trước khuyến nghị để đảm bảo nền móng vững chắc hơn cho Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần tăng hiệu quả vận hành của các nguồn điện hiện có thông qua các khoản đầu tư lưới điện có chọn lọc.
Trong ngắn hạn, để giảm áp lực bổ sung công suất nguồn điện đi kèm với cam kết bao tiêu dài hạn từ các dự án điện có khả năng trở nên thiếu cạnh tranh trong tương lai, cần ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện trọng điểm có khả năng giúp cải thiện hiệu quả vận hành của các nguồn điện sẵn có và gia tăng sản lượng phát lên lưới của các nhà máy điện tái tạo ở vị thế chiến lược.
Nỗ lực này sẽ giúp ổn định lưới điện và hỗ trợ thúc đẩy việc hình thành các điều khoản hợp đồng có lợi hơn trong tương lai, nếu Bộ Công thương có thể thúc đẩy các cơ chế cấp vốn tốt hơn từ các ngân hàng phát triển đa phương hoặc các chiến lược tăng cường tín dụng mới dành cho các nguồn điện đa dạng và lưu trữ năng lượng.