Dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Giảm điện gió
Lý do cắt giảm là tổng công suất tính toán thừa so với nhu cầu dự báo và gió thường xuất hiện vào những thời điểm phụ tải thấp.
Lựa chọn kịch bản cao – nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng cũng như mục tiêu tăng trưởng hai con số đã đề ra, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh (dự thảo) đưa ra sơ bộ bức tranh quy mô công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc cho thời kỳ quy hoạch mới.
Trong đó, nguồn năng lượng tái tạo chủ chốt như điện gió trên bờ, gần bờ và điện mặt trời đón nhận dư địa phát triển vượt trội so với Quy hoạch điện VIII phê duyệt cách đây gần hai năm.
Đơn cử, giai đoạn đến năm 2030, dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt ra nhu cầu đầu tư thêm 30GW điện mặt trời (mái nhà và tập trung), 6GW điện gió trên bờ.
Ở giai đoạn tiếp theo, tại mốc 2050 (năm cuối trong kỳ quy hoạch), điện gió trên bờ/gần bờ xác lập quy mô phát triển vượt xa Quy hoạch điện VIII với mức tăng thêm gần 2GW. Trong khi đó, điện mặt trời cũng được tăng dư địa phát triển thêm gần 10GW.
Đáng chú ý, điện gió ngoài khơi sẽ chỉ phát triển từ sau năm 2030, thay vì được tính toán đầu tư 6GW từ nay tới năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII. Đồng thời, giai đoạn 2031-2050, công suất phát triển điện gió ngoài khơi sẽ đạt hơn 13GW, tức “trội” thêm 4GW so với Tổng sơ đồ VIII.
Dự thảo cho thấy năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu công suất nguồn điện, bởi chi phí đầu tư nguồn này và pin tích năng được dự báo giảm nhiều so với Quy hoạch điện VIII.
![Một dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận (ảnh: Hoàng Anh)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_358_51411627/a2cfdd67e5290c775538.jpg)
Một dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Thuận (ảnh: Hoàng Anh)
Điển hình, theo kịch bản năm 2030, trong khoảng 211GW tổng công suất nguồn điện có hơn 28GW điện gió trên bờ/gần bờ - tăng gần 7GW so với quy hoạch và 34GW điện mặt trời tập trung – tăng 26GW. Tới năm 2050, trong 851GW tổng công suất nguồn, điện gió (bao gồm cả ngoài khơi) và điện mặt trời chiếm ngót 50%.
Dẫu vậy, dự thảo lần này cũng cho thấy tổng công suất của tất cả các nguồn điện tính toán phát triển đều “thừa” đáp ứng nhu cầu cung cấp điện, trong đó riêng quy mô nguồn năng lượng tái tạo dự kiến rất lớn so với công suất phụ tải đỉnh.
Vì vậy cơ quan soạn thảo đã lựa chọn cắt giảm một phần năng lượng tái tạo. Trong đó, sản lượng nguồn điện mặt trời sẽ cắt giảm khá nhỏ, ngược lại điện gió sẽ bị cắt giảm khá lớn, do gió thường xuất hiện vào những thời điểm phụ tải thấp.
Không đề cập chi tiết đối với từng loại hình, dự thảo đưa ra tỷ lệ cắt giảm sản lượng năng lượng tái tạo nói chung đều vượt so với tính toán trong Quy hoạch điện VIII. Riêng hai thời điểm 2030 và 2050, tỷ trọng cắt giảm năng lượng tái tạo lần lượt ở ngưỡng trên 6% - gấp tương ứng 6 lần và 2 lần so Quy hoạch điện VIII.