Nguyên nhân nào khiến chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội giảm sâu?

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Một vừa qua của Thủ đô Hà Nội ước tính giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 16,7%.

May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

May hàng xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Với trên 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, Hà Nội luôn là địa phương đầu tàu của cả nước về sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa.

Vậy nhưng, tháng đầu năm 2025 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIIP) của thành phố giảm sâu.

Theo số liệu Cục Thống kê Hà Nội công bố chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Một vừa qua của Thủ đô Hà Nội ước tính giảm 15,2% so với tháng trước và giảm 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu do tháng 12/2024 là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất với công suất lớn để kịp hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là tháng Một năm nay trùng với Tết Nguyên đán, người lao động được nghỉ 9 ngày nên số ngày làm việc ít hơn tháng 12/2024 và tháng 1/2024.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 16,7% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái; sản xuất và phân phối điện giảm 1,7% và tăng 5,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,9% và tăng 1,2%; công nghiệp khai khoáng giảm 11,1% và giảm 12,8%.

Cùng với xu hướng chung của toàn ngành công nghiệp, trong tháng Một vừa qua hầu hết ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo) có chỉ số sản xuất giảm, trong đó: sản xuất phương tiện vận tải giảm 19,6%; sản xuất trang phục giảm 12,3%; in, sao chụp bản ghi giảm 32,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 17%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 27,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 3,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 25,9% so với tháng trước và đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn vẫn giữ nhịp tăng trưởng, tháng Một năm nay ước tính kim ngạch xuất khẩu đạt 1.756 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 1.045 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 711 triệu USD.

Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng; hàng dệt, may; gỗ và sản phẩm từ gỗ. Cạnh đó có 3/12 nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ như: Xăng dầu; hàng nông sản; điện thoại và linh kiện.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng Một năm nay đạt 4.574 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3.903 triệu USD; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6 71 triệu USD.

Một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như máy móc thiết bị, phụ tùng; xăng dầu; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; sắt thép; kim loại; chất dẻo; sản phẩm hóa chất…

Hà Nội cũng đang tập trung các giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào địa bàn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thu hút các doanh nghiệp FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nguyen-nhan-nao-khien-chi-so-san-xuat-cong-nghiep-cua-ha-noi-giam-sau-post1010940.vnp