Gỗ Trường Thành thoát lỗ nhờ chứng khoán

Thoát lỗ với 12,5 tỷ đồng lãi sau thuế, nhưng Gỗ Trường Thành vẫn chật vật khi chỉ đạt 20% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2024.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với tình hình kinh doanh cải thiện, thoát lỗ nhờ lãi chứng khoán và thanh lý đầu tư.

Cụ thể, quý IV/2024, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu thuần giảm 36,8% xuống 288,95 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp mạnh từ 21,7% xuống 2,2%, kéo lợi nhuận gộp giảm 93% xuống còn 6,32 tỷ đồng.

Trong quý, dù hoạt động kinh doanh suy giảm, doanh thu tài chính tăng vọt gần 18 lần lên 81,1 tỷ đồng nhờ lãi từ chứng khoán và thanh lý đầu tư. Khoản lợi nhuận khác đạt cũng ghi nhận đạt 6,58 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới 78 tỷ đồng.

Nhờ đó, Gỗ Trường Thành đã thoát lỗ và báo lãi tới 39 tỷ đồng trong quý IV/2024, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 90,8 tỷ đồng ghi nhận vào quý IV/2023.

Lũy kế năm 2024, doanh thu thuần của Gỗ Trường Thành đạt 1.224 tỷ đồng, giảm 21%. Lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực so với khoản lỗ 133,6 tỷ đồng năm trước.

Đáng nói là dù có lãi, Gỗ Trường Thành vẫn gánh lỗ lũy kế 3.234 tỷ đồng, tương đương 78% vốn điều lệ.

Năm 2024, Gỗ Trường Thành lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 2.012 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng. Như vậy kết thúc năm 2024, công ty đã không hoàn thành được mục tiêu đề ra mà chỉ thực hiện được lần lượt 61% kế hoạch doanh thu và 20% mục tiêu lợi nhuận.

Về tình hình tài chính của công ty, tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành đạt 2.810 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Khoản phải thu ngắn hạn chiếm 36,5% tổng tài sản với 1.027 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, tại ngày 31/12/2024, tổng nợ vay của Gỗ Trường Thành ghi nhận tăng 18,6% lên 489,1 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 487 tỷ đồng, còn nợ dài hạn gần 2 tỷ đồng.

Diễn biến thị giá cổ phiếu TTF.

Diễn biến thị giá cổ phiếu TTF.

Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2025 được dự báo tích cực, với mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 18 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2025 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn, chính sách thương mại, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

Các thị trường xuất khẩu chính mang lại triển vọng xuất khẩu cho ngành gỗ, trong đó, dẫn đầu là thị trường Mỹ, nhưng áp lực cạnh tranh mạnh từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, điều này yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú trọng phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng….

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/go-truong-thanh-thoat-lo-nho-chung-khoan-204250206165216458.htm