Tầm soát ung thư tuyến giáp quá 'nhiệt tình', u bé cũng gợi ý mổ gấp
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cảnh báo, một số cán bộ y tế tư vấn quá mức cho bệnh nhân có bất ổn tuyến giáp, gợi ý mổ gấp với những khối u 4-5mm.
Đó là điểm bất ổn trong thực trạng tầm soát và điều trị ung thư tuyến giáp hiện nay được bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ - nguyên Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Thủ Đức (TPHCM) chia sẻ.
Ung thư tuyến giáp đứng đầu các bệnh ung thư về tuyến nội tiết, số bệnh nhân ngày càng tăng. Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, năm 2023, số bệnh nhân ung thư tuyến giáp tại đây chiếm 15% số ca ung thư, đến năm 2024 tăng lên 23%.
Tầm soát đại trà
Chị N.M.A. (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vừa kết hôn và đi kiểm tra sức khỏe theo công ty. Khi khám, bác sĩ siêu âm tuyến giáp có nhân xơ chưa đến 1cm nhưng nghi ngờ có khả năng ác tính nên yêu cầu chị A. chọc sinh thiết dưới hướng dẫn của siêu âm.
Người phụ nữ này tiếp tục đến 2-3 cơ sở y tế khác để kiểm tra, có nơi bác sĩ yêu cầu mổ ngay, nơi khác lại tư vấn theo dõi thêm.
Quá hoang mang, chị A. nhanh chóng lên chuyến bay từ Hà Nội vào TPHCM xin tư vấn từ bác sĩ Vũ.
Hình ảnh siêu âm cho thấy, đó chỉ là nhân xơ tuyến giáp 5-7mm, dù chọc tế bào học ác tính cũng không đáng lo ngại. Bác sĩ tư vấn chị A. chưa cần mổ, nên theo dõi thêm.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ xem bệnh án cho người bệnh. Ảnh: Chí Hùng.
Trong tuần qua, 3 trường hợp khác đã liên hệ bác sĩ Vũ tư vấn vì tình cờ phát hiện ung thư tuyến giáp khi khám sức khỏe định kỳ. Kết quả chung chỉ là nhân xơ bé nhưng bệnh nhân hoang mang khi nghe một số bác sĩ thông báo là ung thư.
Bác sĩ Vũ cho rằng, việc tầm soát ung thư tuyến giáp hiện nay khá đại trà, bất cứ gói khám sức khỏe nào cũng siêu âm cổ bệnh nhân, nếu có u sẽ chỉ định chọc sinh thiết. Tuy nhiên, sự “nhiệt tình” này có thể dẫn tới biến chứng lo ngại hơn tiến triển của ung thư.
“Nhiều người muốn mổ ngay nhưng không phải loại ung thư nào cũng phải can thiệp mạnh tay. Người dân chỉ nên kiểm tra vùng cổ khi có khối u, hạch, nuốt vướng, nuốt đau", bác sĩ Vũ nói.
40-60% người dân có u tuyến giáp
Theo bác sĩ Vũ, bướu tuyến giáp rất phổ biến, ước tính xuất hiện ở 40-60% dân số và 5-10% là ác tính. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp tiến triển rất chậm, không phải trường hợp nào cũng cần can thiệp.
Hiện nay có nhiều trung tâm ung thư lớn tại Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đã áp dụng chương trình theo dõi không cần mổ ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp.
Tại Hàn Quốc, dựa vào siêu âm, các bác sĩ đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp với kích thước nhỏ. Bắt đầu từ năm 2014, các bác sĩ tại đây đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Họ thấy rằng, dù số ca ung thư tuyến giáp được phát hiện gia tăng đáng kể nhưng tỷ lệ tử vong không đổi. Bởi vậy, các chuyên gia đặt ra vấn đề có cần gấp gáp đối với bệnh ung thư tuyến giáp hay không.
Tại Nhật Bản, với 2.100 bệnh nhân ung thư tuyến giáp nguy cơ thấp có 50% được chỉ định theo dõi định kỳ, số còn lại cần mổ ngay. Trong nhóm theo dõi định kỳ có 80% số ca sẽ được phẫu thuật sau đó, tiên lượng tốt như nhóm mổ ngay từ đầu.
“Tỷ lệ tử vong do ung thư giáp dạng nhú thấp hơn tỷ lệ biến chứng do phẫu thuật", bác sĩ Vũ nói.
Phẫu thuật luôn tiềm ẩn các rủi ro biến chứng từ gây mê tới các vấn đề khàn tiếng, tê tay, uống thuốc bù giáp suốt đời (chiếm khoảng 2%). Ngoài ra, việc điều trị phóng xạ ung thư giáp còn tăng nguy cơ ung thư thứ phát khác và các vấn đề về tuyến nước bọt, răng miệng.
Vì vậy, với các u nhỏ vài mm, không xâm lấn qua vỏ bao tuyến giáp và xung quanh, các bác sĩ có chuyên môn sẽ tư vấn bệnh nhân chọn cách theo dõi định kỳ.