Đủ tỉnh táo để chọn ra đâu là cảm xúc nên giữ

Điều lấp lánh nho nhỏ tôi nhận ra sau quãng thời gian tự chữa lành đó là nỗi buồn có khi rất đẹp.

Những hôm thức dậy trong âm thanh của tiếng ly tách va vào nhau, tiếng nước chảy trong bếp, tiếng ấm nước đang sôi, tiếng máy giặt quay lịch kịch, khi mặt trời đã lên cao và bữa sáng đã sẵn sàng, tôi biết cuộc sống đã bắt đầu trước tôi từ rất lâu rồi.

Khi nhìn mình trong gương, tôi tự hỏi bản thân sẽ còn tiếc nuối bao nhiêu lần nữa cho một buổi sáng đúng nghĩa, khi tôi có thể ngủ sớm và dậy sớm, gấp gọn chăn màn, pha ly cà phê nóng rồi thong thả nhấm nháp miếng bánh sừng bò thơm phức, để ánh bình minh tràn vào nhà, tràn ngập cả tâm hồn tôi, hong khô những nỗi buồn mà tôi ngày ngày đối diện.

Khi nỗi buồn đan dệt thành lớp lưới bao quanh những sự kiện diễn ra trong cuộc sống của tôi, tôi nhận ra mình đang bị cầm tù bởi tiêu cực và bạc nhược.

Có những khi cảm giác cô đơn và buồn bã bất ngờ đánh úp, như ai đó bất ngờ trùm lên toàn bộ cuộc sống này một cái chăn khổng lồ tăm tối, tôi co lại trong ấm áp của mệt mỏi và buồn bã, mọi thứ phủ một màu chầm chậm và tôi khoan khoái với sự bệ rạc của bản thân.

Cơ thể cũng vì thế mà chây lười và ỷ lại. Tâm trạng như mớ bột bị nhào nặn, ủ cho trương lên rồi lại tiếp tục nhào nặn, không thực sự tròn cũng không hẳn là vuông, không phải buồn cũng chẳng phải vui, chỉ là ngơ ngác và trống trải.

Đó là khi “con quỷ” tiêu cực đã lẻn vào, đi từ giấc mơ ra tới hiện thực. Thức giấc với cõi lòng hoang hoải, tôi biết nó sẽ chiếm trọn tâm trí tôi cả một ngày dài.

 Cần tỉnh táo chọn ra đâu là cảm xúc nên giữ và đâu là điều quá nhạy cảm nên lọc bớt ra. Ảnh: Pexels.

Cần tỉnh táo chọn ra đâu là cảm xúc nên giữ và đâu là điều quá nhạy cảm nên lọc bớt ra. Ảnh: Pexels.

Đã bao nhiêu lần bạn nhìn thấy những sai phạm của bản thân nhưng nhắm mắt cho qua, tự hứa là ngày mai bạn sẽ thay đổi, và rồi hàng trăm cái ngày mai như thế cứ lặp lại cho đến khi tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn?

“Đừng thi vị hóa sự kém cỏi của bản thân thành mỹ từ trầm cảm. Đừng tự trói mình vào một định nghĩa hay bệnh lý rồi vin vào đó mà trượt dài. Cố mà ngoi lên và tự chữa lành”. Tôi nhủ với bản thân như vậy.

Việc mất động lực sống không đáng sợ nếu như tôi ý thức về điều đó. Khi nhận ra bản thân đang chìm dần vào sự chán nản, khiến mọi thứ xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như một cú tát trời giáng vào mặt, tôi vùng vẫy để ngoi lên.

Tôi sợ chết khi cơ thể còn đang sống, sợ sự biến mất vô nghĩa của mình. Nhưng, tôi không thể từ trạng thái mất cân bằng, thiếu động lực, trở nên hào hứng và mạnh mẽ trong nháy mắt, hạnh phúc nội tâm không dễ dàng như thế.

Tôi cần tìm lại mục tiêu cho sự tồn tại của mình, từng chút, từng chút một. Quan trọng là, tôi có đủ kiên nhẫn với chính mình hay không. Tôi không mưu cầu cuộc đời sẽ khác, tôi chỉ mong được trải nghiệm những điều vui vẻ thêm nhiều lần nữa.

Vậy nên mỗi ngày tôi cố gắng bước một bước, có khi hai, về miền tích cực hơn và nhận thấy có nhiều công thức để khiến bản thân hạnh phúc hơn. Tôi tin là ai cũng có một cách cho riêng mình. Tôi chọn tối giản cuộc sống và lược bớt đi những ham thích nhất thời. Tôi miễn cưỡng bắt bản thân mình chạy bộ, môn thể thao tự do và dễ dàng nhất.

Đầu tiên là năm trăm mét một ngày, rồi một kilomet và giờ là ba kilomet, đều đặn, mỗi ngày (tôi biết, còn rất khiêm tốn so với nhiều người). Tôi ăn uống nhẹ nhàng hơn, chọn những gì đơn giản nhất để mặc. Tôi khóa thẻ tín dụng, mở một tài khoản tiết kiệm tí hon theo quy định khắt khe đủ để tôi cảm thấy an tâm khi nghĩ tới.

Tôi hát mỗi khi cọ rửa nhà vệ sinh hàng ngày thay vì một tuần một lần như lúc trước. Dậy sớm luôn là một cực hình vì thói quen hơn 20 năm khó bỏ, đã có 7 trên 10 ngày đầu tôi quay lại giường ngủ, nhưng mọi thứ cũng khá dần lên. Tôi cố gắng đọc sách thay vì lướt điện thoại.

Rất khó, khi cám dỗ của những chuyện giải trí tầm phào trên mạng xã hội luôn hấp dẫn hơn lúc ngồi yên ắng để đầu óc tư duy khi đọc sách. Tuy không thành công lắm nhưng tôi đã cố. Tôi vui vì điều đó.

Sau 6 tháng cơ thể tôi nhẹ nhàng hơn và giấc ngủ sâu hơn. Đêm đến dễ ngủ là một dấu hiệu tốt. Thỉnh thoảng vẫn còn mất tập trung vì suy nghĩ lan man nhưng tôi dần cảm nhận được tâm trí mình không còn quá nặng nề. “Con quỷ” tiêu cực trong tôi hậm hực và nổi loạn. Mỗi khi tôi đọc được hơn 10 trang sách một ngày, tôi cười vào mặt nó.

Nhưng tôi biết, nó chỉ lẩn đi đâu đó rình mò, chực chờ tôi lơ là rồi sẽ quay lại, vồ lấy tôi và ngấu nghiến cảm hứng sống tích cực của tôi. Nên, cố gắng từng ngày chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Tôi học được một điều, để đạt được những cột mốc lớn lao, trước tiên hãy chia nhỏ mục tiêu ra, cố gắng vượt qua từng chặng một. Hàng trăm lần tôi tự nói với bản thân mình: “Kiên nhẫn nào cô gái, không dễ nhưng đâu có quá khó khăn!”

Điều lấp lánh nho nhỏ tôi nhận ra sau quãng thời gian tự chữa lành đó là nỗi buồn có khi rất đẹp. Để bản thân buồn đủ lâu, ta sẽ nhận ra nội tâm mình lộng lẫy đến nhường nào, và ta biết cuộc sống không thể lúc nào cũng là thành công, là hạnh phúc.

Có thêm buồn thì cuộc sống mới trọn vẹn đủ đầy. Chỉ là, ta yêu cuộc sống này bao nhiêu? Đủ để biết đủ cho mọi thứ? Đủ để cân bằng mọi cảm xúc và đầu tư cho sự phát triển nội tâm của mình?

Đủ để tỉnh táo chọn ra đâu là cảm xúc nên giữ và đâu là điều quá nhạy cảm nên lọc bớt ra? Ta có yêu bản thân mình đủ để chấp nhận những gì mình hoài nghi về mình là đúng, rồi, nếu được, tha thứ và sửa đổi?

Ta có thể như rất nhiều người ngoài kia vượt lên nghịch cảnh của mình bằng những thành công rực rỡ, hoặc nhích từng chút từng chút một mỗi ngày về những điều tích cực hơn.

Tất cả đều là cách ta chọn để yêu thương bản thân mình. Và cuối cùng, tự dặn lòng mình, dù thế nào, mình hãy bao dung và kiên nhẫn với mình, chỉ có ta mới làm được điều này cho chính ta mà thôi. Nếu được, xin đừng bỏ cuộc với cuộc sống của mình, vì cuộc sống thực ra chưa bao giờ bỏ rơi chúng ta cả.

Alex-Bùi / Phục Hưng Books / NXB Thông tin & Truyền thông

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-tinh-tao-de-chon-ra-dau-la-cam-xuc-nen-giu-post1324430.html