Dự trữ ngoại hối châu Á sụt giảm trong nửa đầu năm 2024

Dự trữ ngoại hối của châu Á đã giảm trong năm nay do các ngân hàng trung ương can thiệp để hỗ trợ tiền tệ, trong đó Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc dẫn đầu mức giảm.

Dự trữ ngoại hối của 11 nền kinh tế châu Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ đã giảm khoảng 50 tỷ USD xuống còn 7.500 tỷ USD vào cuối tháng 6.

Dữ liệu từ các sàn giao dịch và hiệp hội thị trường trái phiếu cho thấy dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào trái phiếu châu Á đã giảm 34% trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù sự sụt giảm dự trữ ngoại hối không đủ nghiêm trọng để gây ra khủng hoảng tài chính hoặc khiến các quốc gia gặp khó khăn với thanh toán nhập khẩu, do hầu hết đều có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn và nợ nước ngoài được kiểm soát, các nhà phân tích lưu ý rằng điều này vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và có thể dẫn đến dòng vốn bị rút ròng.

Dữ trữ ngoại hối của các nền kinh tế

Dữ trữ ngoại hối của các nền kinh tế

Tỷ lệ bao phủ nhập khẩu - số tháng mà một quốc gia có thể duy trì nhập khẩu nếu tất cả các dòng vốn vào khác ngừng lại - đã tăng lên ở Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc trong năm nay. Tuy nhiên, theo tính toán của Reuters, các tỷ lệ này đã giảm ở các quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Tỷ lệ bao phủ nhập khẩu của các nền kinh tế

Tỷ lệ bao phủ nhập khẩu của các nền kinh tế

Các đồng tiền châu Á đã giảm mạnh trong nửa đầu năm nay do quan điểm diều hâu và lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ đồng đô la. Đồng yên là đồng tiền giảm giá lớn nhất trong khu vực, với mức giảm khoảng 11% so với đồng đô la, điều này khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được cho rằng đã có nhiều đợt can thiệp để hỗ trợ đồng yên trong năm nay.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Indonesia cũng tăng lãi suất vào tháng 4 nhằm kiềm chế sự trượt giá của đồng rupiah và ngăn chặn dòng vốn chảy ra ngoài.

Với các sự kiện lớn như cuộc bầu cử ở Mỹ và những thay đổi tiềm tàng trong chính sách tiền tệ của Fed sắp diễn ra trong năm nay, các tiền tệ trong khu vực dự kiến sẽ có biến động mạnh trong nửa cuối năm.

Saurav Sen, nhà phân tích cấp cao tại Gimme Credit cho biết: “Cuối cùng, khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, điều này có khả năng khiến đồng đô la mất giá tạm thời, độ tin cậy của các ngân hàng trung ương châu Á sẽ bị kiểm định… Những quốc gia có khả năng tăng dự trữ ngoại hối vào thời điểm đó để giữ cho tiền tệ có tính cạnh tranh so với đồng đô la sẽ có thể quản lý được sự biến động. Những quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ được lưu ý”.

Đi ngược lại xu hướng này, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã tăng 4,9% lên 653,71 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-tru-ngoai-hoi-chau-a-sut-giam-trong-nua-dau-nam-2024-post349756.html