Du xuân đầu năm với những lễ hội nổi tiếng 3 miền
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân khắp cả nước lại náo nức đi du xuân, trẩy hội. Trải qua thời gian, truyền thống này vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát triển, trở thành một nét đẹp văn hóa những ngày đầu năm.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam hiện có gần 9.000 lễ hội truyền thống, là một trong những quốc gia có số lượng lễ hội truyền thống nhiều nhất khu vực và châu lục. Lễ hội truyền thống ở Việt Nam được tổ chức trên khắp các vùng, miền, tỉnh, thành phố và diễn ra sôi động nhất vào mùa xuân, sau Tết Nguyên đán. Nhiều lễ hội lớn đã trở thành thương hiệu văn hóa du lịch, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách, đem về cho địa phương nguồn thu lớn từ các dịch vụ của ngành công nghiệp không khói.
Dưới đây là những lễ hội nổi tiếng nhất của Việt Nam dịp Tết đến, xuân về, luôn thu hút đông đảo du khách thập phương tham dự.
Lễ hội gò Đống Đa
Gò Đống Đa là di tích lịch sử tọa lạc tại phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Nơi đây gắn liền với chiến thắng của vua Quang Trung dẹp tan quân Thanh vào năm 1789 trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa đầy hào hùng. Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử gò Đống Đa là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Lễ hội gò Đống Đa hay còn gọi là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ đến những chiến công chống giặc ngoại xâm cứu nước của vua Quang Trung. Lễ hội gò Đống Đa thường diễn ra vào mùng 5 Tết âm lịch hàng năm, tại Công viên văn hóa Đống Đa.
Lễ hội chùa Hương
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội nổi tiếng của miền Bắc bởi khu di tích thắng cảnh Hương Sơn sơn thủy hữu tình, thu hút khách thập phương. Cứ mỗi dịp xuân về, người dân miền Bắc lại nô nức khai hội chùa Hương từ mùng 6 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3, tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Trong những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng nghìn thuyền khách. Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.
Lễ hội Khai ấn đền Trần
Lễ hội diễn ra tại đền Trần - Nam Định, là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng Giêng. Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng Giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...
Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Ngoài ra, đây cũng là “tín hiệu nhắc nhở” chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc.
Lễ hội đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương
Lễ hội đền Hùng hay còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương tại đền Thượng.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Cầu ngư
Lễ hội Cầu ngư hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông, là nét đẹp văn hóa của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung Bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian. Đối với đời sống cộng đồng ngư dân, Lễ hội Cầu ngư là lễ hội quan trọng nhất trong năm, vì đây là lễ hội cầu mùa - cầu ngư hay lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”.
Bên cạnh đó, Lễ hội Cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai... Lễ hội còn là nơi lưu giữ các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và là một lễ hội quan trọng cần được bảo tồn và phát huy.
Hội vật làng Sình
Vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm, người dân xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế lại giong trống mở cờ tổ chức Hội vật làng Sình. Hội vật làng Sình là nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy suốt mấy trăm năm qua kể từ thời chúa Nguyễn.
Hội vật được diễn ra tại Lại Ân hay còn gọi là làng Sình. Đây là một trong những ngôi làng được hình thành khá sớm ở Đàng Trong, nằm ven sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình (rước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài), nay là xã Phú Mẫu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Sình cũng là địa chỉ cuối cùng về phương Nam còn lưu giữ truyền thống vật võ. Lễ hội mang nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế, không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động vui, khỏe đầy tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp trai trẻ.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Hội chùa Bà Thiên Hậu (hội chùa Bà) diễn ra trong 3 ngày từ ngày 13 đến rằm tháng Giêng tại tỉnh Bình Dương. Đây là lễ hội dân gian mang nét văn hóa độc đáo đặc biệt của vùng Đông Nam Bộ. Trong hội chùa Bà Thiên Hậu, người dân thường bày bàn ra trước cửa nhà và thực hiện cúng tế vào đêm 13 tháng Giêng để chuẩn bị cho lễ rước Bà vào ngày hôm sau.
Sáng ngày 14 tháng Giêng, lễ rước Bà Thiên Hậu được tổ chức theo nghi thức truyền thống, kiệu Bà được rước khắp phố phường cùng đội múa sư tử, múa lân, rồng, cờ xí... Đến ngày cuối cùng của hội, ngày rằm tháng Giêng, người dân về chùa Bà thắp hương cầu mong nhiều phúc lộc.
Lễ hội núi Bà Đen
Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của tỉnh Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ. Nơi đây còn là điểm du lịch tâm linh với ngôi chùa Linh Sơn Tiên Thạch gắn liền với truyền thuyết Bà Đen. Mỗi năm, vào dịp đầu xuân, quần thể Khu danh thắng di tích núi Bà Ðen thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và ngoài nước đến hành hương, tham quan, du ngoạn và dự Lễ hội xuân núi Bà.
Lễ hội thường khai mạc vào ngày mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng. Lễ hội núi Bà Ðen là nơi sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo.