Dưa bán, dưa ăn
Chị Xuân làm việc ở đơn vị liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Ngày nghỉ cuối tuần, chị về quê chơi. Chị đi xe đạp dọc theo đường làng, men ra phía cánh đồng.
Mùa này, dưa chuột, dưa lê, dưa bở, dưa hồng một số bà con quê chị trồng đang vào độ thu hoạch. Từ xa, chị Xuân đã nhìn thấy nhiều người đang vặt dưa trên ruộng, rồi vận chuyển lên bờ bán cho người đến thu mua. Chị Xuân đang đạp xe chậm chậm trên đường tận hưởng không khí mát mẻ làng quê và quan sát bà con làm việc, thì có người dưới ruộng dưa gọi với lên:
- Cái Xuân đấy hử, cháu về quê chơi à?
Nghe giọng nói quen chị Xuân nhận ra ngay ấy là cô Hải - em gái ruột của bố chị, nên vội vàng chào hỏi:
- Vâng, cháu chào cô. Cháu về từ hôm qua. Dưa nhà cô có được mùa không ạ?
- Năm nay thời tiết thuận lợi nên dưa được mùa lắm cháu à. Quả nào cũng to lẳn, ngon lắm.
Thấy cô Hải đang dỡ quả dưa hồng chín mọng khỏi dây, chị Xuân không kiềm chế được.
- Dưa ngon vậy, cô nhặt cho cháu xin mấy quả nhé.
Đang vui vẻ, thì giọng cô Hải nhỏ lại:
- Nói thật, cô không tiếc gì mấy quả dưa cho cháu đâu. Nhưng dưa này cô mới phun thuốc trừ sâu cách đây chưa lâu nên chỉ để bán thôi. Cháu muốn ăn thì ít hôm nữa cô cắt đám dưa phía trong kia, chỉ để nhà ăn thôi nên trừ sâu từ lâu rồi, không lo độc hại. Nếu cháu không đợi được thì cô bảo bố cháu gửi xe ra thành phố cho.
- Ôi lại còn cả dưa ăn, dưa bán nữa à cô?
- Không chỉ dưa đâu mà nhiều loại rau quả dù mới trừ sâu nhưng nếu được giá thì cũng có người thu hoạch sớm để bán đấy.
- Cháu nghĩ mọi người không nên có suy nghĩ và làm như vậy cô ạ. Sản phẩm làm ra không tốt đối với sức khỏe của mình thì chắc chắc cũng sẽ không tốt đối với người khác.
- Ừ, thì cô cũng có muốn thu hoạch dưa vội thế này đâu. Nhưng nếu không thu hoạch thì nhỡ mất đợt bán, thành ra lại thiệt cho mình.
- Vì kinh tế thì cũng không nên cô ạ. Hiện có nhiều cách làm ra sản phẩm nông nghiệp sạch, giá bán tốt mà bà con nông dân có thể áp dụng được. Ví dụ như sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một cách đơn giản nhất là mình trồng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn, địa phương, bảo đảm đúng thời gian trừ sâu, thu hoạch... thì mới an toàn cô ạ.
- Kể ra như thế thì tốt. Nhưng ở quê mình có phải vùng chuyên canh đâu. Chỉ là thấy có lợi thì bà con bảo nhau trồng thêm thôi.
- Cháu nghĩ dù trồng ít hay trồng nhiều cũng phải làm cho an toàn cô ạ. Bà con nên thay đổi cách nghĩ, cách làm ngay. Chứ nếu nhỡ ra, người ăn dưa của mình ảnh hưởng đến sức khỏe, họ truy ra nguyên nhân là nhiều hệ lụy lắm cô ạ.
Nghe chị Xuân phân tích thế, cô Hải dường như đã hiểu, gật đầu:
- Cháu nói thế cũng phải. Đúng là trước giờ cô chưa nghĩ sâu xa vậy. Thôi, thế cô không thu hoạch số dưa này nữa. Ngày mai có cuộc họp thôn cô sẽ ý kiến về việc này để bà con thay đổi cách làm.
- Vâng, nên thế cô ạ!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/dua-ban-dua-an-203464