Đưa bản sắc văn hóa địa phương vào cải lương

Giữa sân khấu hiện đại với nhiều loại hình giải trí, những vở cải lương mang đậm bản sắc văn hóa địa phương vẫn 'sống' như tiếng vọng của quá khứ, hơi thở của hiện tại, là nhịp cầu kết nối người xem với hồn dân tộc. Mỗi vở diễn là một mảnh ghép sinh động, góp phần giữ gìn và lan tỏa giá trị truyền thống bằng ngôn ngữ nghệ thuật cải lương.

Sự đầu tư chỉn chu từ nội dung, bối cảnh sân khấu, âm thanh, ánh sáng,... làm nên sự chuyên nghiệp của Bên dòng Long Khốt

Sự đầu tư chỉn chu từ nội dung, bối cảnh sân khấu, âm thanh, ánh sáng,... làm nên sự chuyên nghiệp của Bên dòng Long Khốt

Vở Bên dòng Long Khốt lay động về tình người và khát vọng hòa bình

Lấy bối cảnh biên giới tỉnh Long An - Campuchia những năm cuối thập niên 70, vở cải lương Bên dòng Long Khốt tái hiện tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ. Trong không gian nhuốm màu đau thương, vở diễn toát lên tình đồng bào, tình yêu xuyên biên giới giữa anh bộ đội tình nguyện Việt Nam tên An và cô gái Khmer tên Đa Vi.

Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An - Biện Hữu Hùng Dũng cho biết: “Trong Bên dòng Long Khốt, những yếu tố dân gian, chất liệu bản địa được lồng ghép khéo léo trong lời ca, cách dàn dựng và nhân vật. Tất cả tạo nên một khúc tráng ca đậm giá trị truyền thống, chạm đến trái tim người xem. Chúng tôi tin rằng, khi nghệ thuật cải lương được khơi nguồn từ chính tình đất, tình người của quê hương xứ sở sẽ bền vững trong lòng công chúng”.

Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An đã đặt hàng, mời nhà văn Nguyễn Toàn Thắng và Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên đi thực tế tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt để gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng lịch sử, lấy chất liệu cho tác phẩm. Và chính Tiến sĩ, NSND Triệu Trung Kiên đã chuyển thể sang cải lương, nhà văn Nguyễn Toàn Thắng chấp bút cho kịch bản sân khấu.

Tác phẩm sử dụng hình thức sân khấu truyền thống nhưng mang hơi thở hiện đại. Những làn điệu quen thuộc trong cải lương hay đờn ca tài tử như vọng cổ, lý con sáo, ngựa ô nam, nam xuân, đoản khúc nam giang,... hòa quyện cùng chất liệu dân ca Khmer tạo nên không gian giao thoa văn hóa đặc sắc.

Vở diễn không chỉ là bản anh hùng ca về lòng quả cảm của các chiến sĩ mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, đề cao khát vọng sống, yêu thương và đoàn kết giữa hai dân tộc từng cùng nhau vượt qua chiến tranh. Khán giả như được sống lại những mùa lễ hội cổ truyền của người Khmer Nam Bộ là Panh Kom San Srok, được nghe tiếng đàn, điệu múa Apsara duyên dáng, cùng nghẹn ngào trong cảnh tang thương của “cánh đồng chết”.

Chuyện tình giữa An và Đa Vi là một điểm nhấn đặc biệt trong vở diễn. Mối tình ấy vượt lên định kiến, biên giới, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị và lòng trắc ẩn trong thời loạn. Họ gặp nhau bên dòng Long Khốt, cùng đỡ đẻ cho voi mẹ trong lúc tiếng súng vang trời.

Vào vai cô gái Đa Vi trong vở diễn, NS Thu Mỹ chia sẻ: “Trong vai một cô gái Khmer sống giữa thời chiến, tôi cảm nhận rõ áp lực khi phải tái hiện một nhân vật với nhiều cung bậc cảm xúc. Tôi không trải qua chiến tranh, chỉ biết giai đoạn ấy qua sách vở và những tư liệu lịch sử nên điều khó nhất là làm sao diễn để tạo cảm xúc chân thật. Phải thực sự cảm nhận, phải rung động thì mới truyền tải được tinh thần nhân vật, khiến khán giả lay động”.

Bên dòng Long Khốt không né tránh sự thật đau thương với tội ác của Khmer Đỏ, sự chia rẽ và mất mát mà qua đó truyền tải thông điệp: Tình người, sự bao dung và đoàn kết giữa các dân tộc là sức mạnh có thể chữa lành những vết thương chiến tranh.

Truyền tích Nàng Thơm tạo dấu ấn đậm nét với khán giả qua một tác phẩm nghệ thuật đậm chất trữ tình

Truyền tích Nàng Thơm tạo dấu ấn đậm nét với khán giả qua một tác phẩm nghệ thuật đậm chất trữ tình

Tình quê thấm đẫm qua Truyền tích Nàng Thơm

Vở cải lương Truyền tích Nàng Thơm được ghi dấu như một làn gió trong trẻo, thơm mùi đồng nội, len lỏi vào trái tim khán giả. Tác phẩm không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của mối tình thuần khiết, chung thủy giữa cô gái tên Lúa và chàng trai nông dân tên Đào mà còn khéo léo giới thiệu về đặc sản gạo Nàng Thơm của vùng quê Cần Đước, Long An, từng là sản vật "tiến vua" dưới triều Nguyễn.

Do tác giả Lê Thế Song chấp bút, Truyền tích Nàng Thơm là một bản giao hưởng dân tộc kết tinh từ những làn điệu vọng cổ, lý, hò đối đáp cùng không gian sân khấu được dàn dựng kỹ lưỡng bằng hình ảnh, âm nhạc và những điệu múa đậm chất Nam Bộ.

Vở diễn như một bức tranh sống động tái hiện đời sống đồng quê Cần Đước, nơi có những mùa lúa trổ bông, những phiên chợ quê rộn ràng và đặc biệt là nơi tình người, tình đất chưa bao giờ nhạt phai.

Nội dung kịch bản xoay quanh chuyện tình giữa nàng Lúa - cô gái hiền lành, xinh đẹp, giàu nghị lực và tình yêu quê hương với chàng Đào - nông dân chân chất, can đảm và giàu nghĩa khí. Họ yêu nhau giữa những thử thách nghiệt ngã như hạn hán, cường hào ác bá, lòng người ganh ghét,... Nhưng tình yêu ấy vẫn thơ mộng và vững bền như chính những bông lúa chờ ngày trổ đòng, kết hạt.

Không chỉ là một chuyện tình, vở cải lương khéo léo đưa hạt gạo Nàng Thơm - đặc sản trứ danh của vùng đất Mỹ Lệ, huyện Cần Đước như biểu tượng của lòng thủy chung và sự bền bỉ. Nàng Thơm không chỉ là tên của nhân vật mà còn là hình ảnh biểu trưng cho vẻ đẹp của hạt gạo tinh khôi, thanh cao, được chắt chiu qua bao vất vả của nông dân.

Truyền tích Nàng Thơm do NSND Hoàng Huỳnh Mai cố vấn nghệ thuật, NSND Hồ Ngọc Trinh đạo diễn. Theo NSND Hồ Ngọc Trinh, ý tưởng thử nghiệm là biểu diễn một vở cải lương không có cảnh trí, dễ dàng vận chuyển, sử dụng công nghệ giúp người xem mãn nhãn trong một không gian sân khấu cải lương mới. Phần âm nhạc của vở cũng là một thử nghiệm độc đáo khi dàn nhạc gồm tranh, sáo, bầu, trống, kìm,... đã được xen hợp lý với trống.

Truyền tích Nàng Thơm được Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An chọn tham gia Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ V năm 2022. Ngoài nghệ thuật cải lương truyền thống, Truyền tích Nàng Thơm còn có sự kết hợp với nghệ thuật xiếc, múa.

Được biết, đây là vở diễn có quy mô lớn với sự góp mặt của khoảng 60 NS thuộc Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, Đoàn Xiếc Long An, Nhóm múa Phù Sa thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và một số NS khách mời.

Vở diễn khép lại nhưng giai điệu cuối cùng cứ ngân nga như nhắc nhớ về một chuyện tình đẹp, về đặc sản gạo Nàng Thơm Chợ Đào trứ danh:

... Bến nước dịu êm, đồng vàng thao thức

Mùa về thơm nức hạt gạo ân tình

Thiên diễm tình trăm năm

Chàng Đào Nàng Thơm trên cánh đồng Mỹ Lệ.

Những vở diễn cải lương mang đậm bản sắc địa phương như Bên dòng Long Khốt hay Truyền tích Nàng Thơm không chỉ làm sống lại ký ức lịch sử, ca ngợi nét đẹp hồn quê mà còn góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống giữa nền sân khấu hiện đại./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dua-ban-sac-van-hoa-dia-phuong-vao-cai-luong-a194490.html