Từ 'tọa độ lửa' đến vùng đất phát triển

Từng là 'tọa độ lửa' trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Hàm Rồng (Thanh Hóa) nay đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một phần của vùng đô thị TP Thanh Hóa. Từ khói lửa bom đạn đến nhịp sống yên bình, Hàm Rồng là minh chứng sống động cho hành trình hồi sinh và phát triển.

Pháo đài bất tử

60 năm trước, giữa bom đạn chiến tranh, bên dòng sông Mã, có một người lính trẻ đã gắn trọn thanh xuân nơi chiến địa cầu Hàm Rồng, đó là cựu chiến binh Lê Xuân Giang (trú phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) - nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228. Nói về những ký ức năm xưa, ông vẫn nhớ như in từng trận đánh, từng đồng đội đã ngã xuống và cả cây cầu Hàm Rồng, biểu tượng bất khuất của ý chí Việt Nam.

Cầu Hàm Rồng - chứng tích lịch sử vùng đất anh hùng Thanh Hóa. Ảnh: Đình Minh

Cầu Hàm Rồng - chứng tích lịch sử vùng đất anh hùng Thanh Hóa. Ảnh: Đình Minh

Ông Giang kể, sau khi tốt nghiệp lớp 10, ông lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những năm đầu thập niên 1960, khi Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cầu Hàm Rồng trở thành một trong những mục tiêu chiến lược bị không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt, với mưu đồ cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Trước tình hình đó, những đơn vị phòng không tinh nhuệ nhất đã được điều động về đây, trong đó có Trung đoàn 228 pháo phòng không.

Lúc bấy giờ, ông Giang tuổi mới ngoài đôi mươi nhưng được giao trọng trách làm Chính trị viên Đại đội 4 - một vai trò không chỉ đòi hỏi bản lĩnh chỉ huy mà còn cần sự vững vàng về tư tưởng, tinh thần. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, ông cùng đồng đội bắt tay xây dựng trận địa, đào công sự, lập trận tuyến pháo đối đầu trực diện với không quân hiện đại Mỹ.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang - nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228.

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang - nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228.

Thời điểm trận đánh ác liệt nhất mà ông Giang không thể nào quên là vào ngày 3 và 4/4/1965, khi Mỹ huy động một lực lượng lớn máy bay ném bom vào cầu Hàm Rồng. Đúng 13 giờ ngày 3/4, cuộc tấn công bắt đầu với từng tốp máy bay phản lực F105, F8, F101... thay nhau bắn phá Hàm Rồng. Trong phút chốc, trận địa hàng chục km2 trở thành chảo lửa, mặt đất rung chuyển liên hồi bởi tiếng bom nổ.

Đơn vị ông Giang khi đó được giao trấn giữ điểm cao C4 trên đồi Quyết Thắng, nơi được coi là hỏa lực số một bảo vệ cầu Hàm Rồng. “Pháo cao xạ trên các đỉnh đồi Yên Ngựa, Quyết Thắng liên tục khai hỏa. Chúng tôi được yêu cầu đánh vỗ mặt đối phương, cứ người này gục xuống, người khác lại trèo lên mâm pháo” - ông Giang kể.

Không phá được cầu Hàm Rồng, đến 10 giờ ngày 4/4, nhiều tốp máy bay Mỹ lại tiếp tục ồ ạt tấn công. Sau hàng chục đợt công kích, quân Mỹ vẫn không phá hủy được mục tiêu mà ngược lại, số máy bay bị bắn rơi ngày một tăng. “Chỉ trong 2 ngày, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay giặc, trong đó, riêng tại khu vực Hàm Rồng đã bắn rơi 31 chiếc. Trong hành trình gần 10 năm bám trụ, bảo vệ cầu Hàm Rồng, chúng tôi đã bắn rơi tổng cộng 117 máy bay, bắt sống 4 phi công” - ông Giang nói.

Nữ anh hùng tải đạn

Trong số những người phụ nữ trực tiếp tham gia trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng năm xưa, bà Ngô Thị Tuyển được xem là biểu tượng cho tinh thần “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Sinh năm 1946 tại làng Nam Ngạn, bà Tuyển tham gia chiến đấu khi vừa tròn 19 tuổi, gắn bó với lực lượng dân quân làm nhiệm vụ tải đạn, cứu thương và tiếp tế cho trận địa pháo Hàm Rồng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyến.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyến.

Ngày 4/4/1965, khi vừa làm xong nhiệm vụ truy lùng giặc Mỹ nhảy dù, bà Tuyển gặp một tàu hải quân của phía ta yêu cầu dân quân giúp vận chuyển vỏ đạn lên bờ và tiếp tế đạn xuống tàu. Thấy 2 hòm đạn đai sắt móc chặt vào nhau, mọi người tháo không ra, trong tình hình chiến sự cấp bách, bà Tuyển đánh liều, ghé vai vác luôn 2 hòm đạn nặng 98kg, gắng sức vượt qua đê để chuyển ra bờ sông, kịp thời tiếp viện cho bộ đội. “Ngày đó tôi chỉ cao hơn 1,4m, nặng 42kg, cũng không biết 2 thùng đạn nặng bao nhiêu mà chỉ lo chậm trễ việc quân nên phải làm ngay, chứ ai cân đo đong đếm làm gì” - bà Tuyển nói.

Với nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bà Ngô Thị Tuyển được kết nạp vào Đảng ngày 26/5/1965 ngay trên trận địa. Ngày 1/1/1967, bà được tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, được gặp Bác Hồ. “Không chỉ được gặp mà tôi còn được ngồi cạnh, được Bác hỏi thăm sức khỏe, chuyện đồng đội, chuyện gia đình. Sau khi Đại hội bế mạc, chiều cùng ngày, tôi và các đại biểu được đến Văn phòng Chủ tịch nước để nghe Bác trò chuyện” - bà Tuyển kể.

Ngoài 3 lần được gặp Bác Hồ, nữ dân quân Ngô Thị Tuyển còn được trao tặng Huy hiệu của Người và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 1/1/1967; 2 lần được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba và 6 lần được tặng các bằng khen, giấy khen... của Đảng, Nhà nước, Chính phủ vì có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại tọa độ lửa Nam Ngạn - Hàm Rồng.

Vùng đất lửa hồi sinh

Chiến tranh lùi xa, nhưng Hàm Rồng không ngủ yên trên chiến công. Từ một vùng đất từng tan hoang vì bom đạn, nơi đây đã bừng dậy, từng bước hồi sinh và trở thành một phần của TP Thanh Hóa.

Bà Lê Thị Thanh - Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cho biết: Trong những năm qua, lãnh đạo phường rất quan tâm đến việc đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Từ đó, nhiều tuyến đường chính được mở rộng, trải nhựa, nâng cấp, cảnh quan được chỉnh trang xanh - sạch - đẹp; hệ thống chiếu sáng công cộng, cấp thoát nước, xử lý rác thải được đầu tư bài bản; khu dân cư được quy hoạch đồng bộ, tạo nên không gian sống hiện đại.

Năm 2024, phường Hàm Rồng thu ngân sách trên 13 tỷ đồng, thành lập mới 14 doanh nghiệp, vượt chỉ tiêu cấp trên giao. Với các công ty đa ngành nghề hoạt động trên địa bàn, đã tạo ra hàng nghìn việc làm, góp phần giúp người dân địa phương ổn định cuộc sống. Trong năm qua, phường đã hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các phòng học tại Trường mầm non Hàm Rồng với tổng kinh phí là 7,6 tỷ đồng, cải tạo lại trụ sở UBND phường với tổng dự toán là 5,2 tỷ đồng, hoàn thành giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án tu bổ, nâng cấp miếu Đệ Nhị, làng Đông Sơn…

Với lợi thế là địa phương có nhiều di tích lịch sử cách mạng, ngày nay, Hàm Rồng không chỉ quan tâm phát triển các điểm đến tên tuổi như cầu Hàm Rồng, núi Quyết Thắng, đồi C4… mà còn chú trọng đến các điểm du lịch như làng cổ Đông Sơn, thiền viện Trúc Lâm, động Tiên Sơn... Nhờ sự kết hợp giữa nhiều loại hình du lịch, đã giúp vùng đất “địa linh nhân kiệt” này thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm, mang về doanh thu hàng tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống của người dân nơi đây cũng như phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Trong quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ, nơi ôm trọn cả hai nền văn hóa Núi Đọ, Đông Sơn được xác định sẽ là hạt nhân để xây dựng trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái của TP Thanh Hóa.

Đình Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-toa-do-lua-den-vung-dat-phat-trien-10305023.html