Đưa các anh trở về đất mẹ, tình quê
'Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội vẫn có hàng trăm thân nhân gia đình liệt sĩ đăng tin tìm mộ người thân. Rất nhiều gia đình không biết nên bắt đầu đi tìm thông tin về sự hy sinh của người thân từ đâu, bởi trên tờ giấy báo tử chỉ ghi ngắn gọn: Đơn vị hy sinh KN, KB, KHP; an táng tại nghĩa trang Mặt trận... Muôn vàn khó khăn, bất cập trong quá trình tìm mộ liệt sĩ, đính chính thông tin để trả lại tên cho các anh...'. Đó là nỗi niềm trăn trở của Đại tá Phạm Quyết Chiến - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh đồng cảm với tâm tư thân nhân các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh vẫn ngày đêm day dứt, mong mỏi sớm đưa các anh trở về với đất mẹ, tình quê...
Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đông đảo những người con ưu tú quê hương Đất Tổ đã lên đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Trong đó có gần 18.000 người đã anh dũng hy sinh. Đơn cử như trường hợp của liệt sĩ Phạm Văn Phán sinh năm 1951 ở khu 8, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông. Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị D5, K5.
Năm 1971, trong một chiến dịch diễn ra tại Mặt trận phía Nam, anh đã anh dũng hy sinh, sau đó được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. Sau hơn 50 năm hy sinh, được sự giúp đỡ của ngành LĐ,TB&XH tỉnh Phú Thọ và tỉnh Quảng Trị, huyện Tam Nông và sự vào cuộc hỗ trợ trực tiếp của Chi hội HTGĐLS huyện Thanh Thủy, Chi hội HTGĐLS huyện Tam Nông trong việc đính chính thông tin sai lệch trên bia mộ, hài cốt Liệt sĩ Phạm Văn Phán đã được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, đáp ứng niềm mong mỏi của gia đình liệt sĩ.
Trong căn phòng nhỏ của Hội HTGĐLS tỉnh ở phường Nông Trang, TP Việt Trì những ngày tháng 7 như “nóng” hơn ngày thường vì tiếp đón nhiều thân nhân liệt sĩ đến để được tư vấn, hỗ trợ. Là người có 40 năm trong quân ngũ, trải qua 3 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, từng chứng kiến biết bao đồng đội ngã xuống, hơn ai hết Đại tá Phạm Quyết Chiến thấu hiểu sự mất mát, nỗi đau mà các gia đình liệt sĩ phải gánh chịu.
Rót chén nước mời khách, vị Đại tá quân đội 70 tuổi ngậm ngùi: “Trong hành trình gần 12 năm tình nguyện đi tìm đồng đội, trả lại danh tính cho liệt sĩ, tôi vô cùng nghẹn ngào, xúc động trước hình ảnh bà mẹ trên 90 tuổi chống gậy ra đón hài cốt con trai bằng tiếng khóc nghẹn: Con ơi! Sao hơn 50 năm đằng đẵng giờ con mới về với mẹ?
Trước hôm cử hành lễ truy điệu, an táng có bà mẹ ôm hài cốt con trai suốt đêm không ngủ. Biết bao ông bố, bà mẹ trước lúc nhắm mắt xuôi tay mang theo niềm day dứt vì chưa biết mộ con mình đang ở đâu để đón về... Điều đó khiến tôi và những người làm công tác thiện nguyện, các cấp Hội càng thêm trăn trở”.
Thực tế thời gian gần đây, một số thân nhân liệt sĩ đến Hội HTGĐLS tỉnh xin giấy xác nhận nơi hy sinh của người thân đã không thể có thêm thông tin về liệt sĩ do nhiều đơn vị quân đội chưa giải mã ký hiệu quân sự, phiên hiệu đơn vị. Nhiều gia đình hy vọng vào phương pháp xác định danh tính bằng giám định ADN, tuy nhiên xương cốt liệt sĩ đã bị phân hủy qua năm tháng. Cũng có nhiều gia đình chờ đợi bao năm vẫn không nhận được thông báo kết quả giám định của cơ quan chức năng...
Mặc dù công tác tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ thân nhân, gia đình liệt sĩ trên địa bàn tỉnh tìm kiếm, đính chính thông tin, di chuyển hài cốt liệt sĩ gặp không ít khó khăn, trở ngại, song nhiều chi hội HTGĐLS cấp huyện đã tích cực kết nối với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh để đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội HTGĐLS tỉnh đã đón tiếp tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho 56 gia đình liệt sĩ về các nội dung: Tìm kiếm thông tin liệt sĩ, xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh, đính chính thông tin liệt sĩ, thăm viếng và di chuyển hài cốt liệt sĩ... Hội đã hoàn thiện thủ tục giám định ADN cho 5 trường hợp. Hội cũng đã phối hợp cùng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh cho 44 trường hợp và sửa đổi, bổ sung thông tin hồ sơ liệt sĩ cho 18 trường hợp; đính chính thông tin trên bia mộ và hồ sơ 31 trường hợp.
Hội phối hợp với ngành LĐ,TB&XH tư vấn, hỗ trợ cho các gia đình di chuyển 36 hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Cùng với đó, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng 3 nhà tình nghĩa với tổng trị giá 680 triệu đồng và thăm hỏi, tặng gần 400 suất quà cho các thân nhân, gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh.
Để làm tốt hơn nữa công tác tri ân các anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng, thời gian tới Hội HTGĐLS tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thống kê danh sách liệt sĩ còn thiếu, sai lệch thông tin trên bia mộ so với hồ sơ quản lý để cùng với các cơ quan chức năng xác minh trả lại danh tính cho liệt sĩ, góp phần xoa dịu nỗi đau, sự mất mát cho thân nhân liệt sĩ.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dua-cac-anh-tro-ve-dat-me-tinh-que-215744.htm