Đưa cát về cao tốc
Sau nhiều cố gắng, những sà lan cát đầu tiên được tỉnh An Giang cấp cho nhà thầu theo cơ chế đặc thù đã về đến công trường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuy chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho toàn tuyến, nhưng những nỗ lực này đang góp phần giúp nhà thầu tăng cường các mũi thi công, kỳ vọng đưa giai đoạn 1 của cao tốc vào sử dụng năm 2027 theo kế hoạch.
Niềm vui trên công trường
Từ giữa tháng 4/2024, mỏ cát trên sông Hậu, đoạn thuộc thị trấn Cái Dầu, xã Bình Long (huyện Châu Phú) và xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân), được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn. Mỏ cát có diện tích khai thác gần 22,5ha, khối lượng được phép khai thác gần 1,23 triệu m3.
“Đối với cao tốc trục ngang ở miền Tây, Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn có gói thầu thi công ở 3 tỉnh (An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng). Đến nay, chỉ mới có mỏ cát ở An Giang cấp cho nhà thầu được khai thác đầu tiên phục vụ thi công” - trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban Điều hành Trường Sơn 11 (Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) thông tin.
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang phối hợp Công ty Khai thác cát Định Thành khai thác mỏ cát trên sông Hậu theo cơ chế đặc thù. Đơn vị khai thác đã bố trí 2 xáng cạp, 10 sà lan, cùng 8 công nhân khai thác. Mỏ cát này mỗi ngày cấp về công trường cao tốc hơn 2.000m3. Tuy chưa đáp ứng đủ nhu cầu (khoảng 8.000m3 cát/ngày), nhưng phần nào giải quyết được bài toán thiếu cát hiện nay.
Tiếp sau mỏ cát đầu tiên trên sông Hậu, mỏ cát thứ hai theo cơ chế đặc thù cũng vừa bắt đầu khai thác. Đó là mỏ cát trên sông Tiền, thuộc xã Tấn Mỹ (huyện Chợ Mới), được tỉnh An Giang bàn giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy. “Sau nhiều tháng chờ cát thì nay mỏ cát đã được khai thác. Chúng tôi sẽ điều phối sà lan hợp lý với mong muốn cát được đưa về công trường liên tục, đảm bảo tiến độ thi công” - anh Nguyễn Thành Tâm (Đội trưởng Đội sà lan, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy) chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Thuận (quản lý mỏ cát) cho biết, mỏ cát trên sông Tiền có diện tích gần 52ha, khối lượng được phép khai thác 1.354.684m3, mức sâu tối đa âm 16m. “Nhà thầu tập trung khai thác trong thời gian 11,5 tháng, dành thêm 4 tháng để cải tạo, phục hồi môi trường. Trên công trường được bố trí 5 xáng cạp, dung tích gàu 6m3. Công nhân làm việc từ 7 - 17 giờ hàng ngày, không khai thác vào ban đêm” - anh Thuận nhấn mạnh.
Tăng ca, tăng kíp
Thời gian qua, mặc dù việc cung ứng cát về cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng gặp khó khăn, nhưng các nhà thầu vẫn nỗ lực thi công, tập trung vào phần cầu trong bối cảnh thiếu cát đắp nền. Đến nay, cả 4 gói thầu của tuyến cao tốc qua An Giang (gói thầu số 42, 43, 44, 45) đều thi công vượt tiến độ. Điển hình như gói thầu số 44 do Liên danh Công ty Cổ phần 471 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy - Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong thực hiện, tiến độ đạt 19,2%/18% kế hoạch.
Đoạn tuyến của gói thầu dài 12,2km, từ thị trấn Vĩnh Bình (huyện Châu Thành) đến xã Định Mỹ (huyện Thoại Sơn), có 9 cầu vượt sông, 7 cống tròn, 6 cống hộp. Ngoài phấn đấu xây dựng xong toàn bộ phần cầu trên tuyến cao tốc qua An Giang trong năm 2024 (theo kế hoạch của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh - chủ đầu tư), nhà thầu chia thêm mũi thi công các hạng mục khác khi có cát về.
Giám đốc Điều hành dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Huy Nguyễn Văn Nam cho biết, tổng nhu cầu cát của gói thầu là 2,3 triệu m3. Với mỏ cát được cấp trên sông Tiền, mỗi ngày, Thành Huy được phép khai thác hơn 4.700m3 cát cấp về công trường cao tốc.
So với nhu cầu cát hàng ngày cần để đắp nền đường và phân bổ cho các nhà thầu khác (trong cùng gói thầu số 44), sản lượng này chỉ mới đáp ứng khoảng 50%. “Dù vậy, có được nguồn cát theo cơ chế đặc thù, nhà thầu sẽ tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ, bù lại khoảng thời gian không có cát” - anh Nam nhấn mạnh.
Tiếp tục rà soát mỏ cát
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên nguồn cát cho tuyến cao tốc trục ngang (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và trục dọc (Cần Thơ - Cà Mau) ở ĐBSCL, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) rà soát, thực hiện hồ sơ, thủ tục, trình UBND tỉnh ký ban hành bản xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 10 khu mỏ cát sông phục vụ cao tốc trục ngang, trục dọc theo cơ chế đặc thù được Quốc hội và Chính phủ cho phép. 10 khu mỏ này có trữ lượng cát cho phép khai thác gần 15,5 triệu m3, gồm: Hơn 10,3 triêụm3 cung cấp cho cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua An Giang, Cần Thơ và Hậu Giang); gần 5,2 triệu m3 cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Giám đốc Sở TN&MT Thái Minh Hiển cho biết, đối với tuyến cao tốc qua An Giang, đến nay, UBND tỉnh đã cấp bản xác nhận thu hồi khoáng sản với khối lượng hơn 5,9 triệu m3 cát (nhu cầu hơn 9,3 triệu m3). Gần 3,4 triệu m3còn thiếu, Sở TN&MT tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh hoàn thành thủ tục bố trí, phân bổ nguồn cát; quá trình thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, không để phát sinh lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
“Sở TN&MT rà soát khu mỏ và dự án chỉnh trị dòng chảy, xúc tiến thủ tục để cung cấp cho nhà thầu. Nguồn cát cần cung ứng dài hạn trong năm 2024 và 2025 nên không sợ thiếu. Vấn đề cần quan tâm là quản lý chặt chẽ quá trình khai thác, khối lượng, độ sâu theo quy định, đảm bảo cát về đúng địa chỉ công trình.
Sở TN&MT đang trình UBND tỉnh Quy chế phối hợp giữa tỉnh An Giang và các tỉnh, thành phố, chủ đầu tư dự án cao tốc; lựa chọn nhà thầu cung ứng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), camera để giám sát, quản lý phương tiện, khối lượng khai thác tại khu mỏ được cấp phép; trước mắt tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra sà lan vận chuyển cát” - Giám đốc Sở TN&MT Thái Minh Hiển nhấn mạnh.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dua-cat-ve-cao-toc-a393950.html