Đưa cây chè thành thế mạnh kinh tế ở Mường Hum

Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây chè và phù hợp với trình độ canh tác của người dân, xã Mường Hum (Bát Xát) đang triển khai các biện pháp đưa cây chè trở thành cây trồng thế mạnh tại địa phương, giúp người dân làm giàu, góp phần xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Anh Trương Văn Hướng (trái ảnh) kiểm tra đồi chè của gia đình.

Anh Trương Văn Hướng (trái ảnh) kiểm tra đồi chè của gia đình.

Cây chè được đưa vào trồng ở Mường Hum từ năm 2002, trải qua nhiều thăng trầm, cây chè hiện trở thành chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đến nay, xã có 117 ha (khoảng 75 ha đang cho thu hoạch) với hơn 100 hộ của 3 thôn Mường Hum, Piềng Láo, Ky Quan San trồng. Theo các hộ trồng chè ở Mường Hum chia sẻ, kỹ thuật chăm sóc chè không yêu cầu cao, bên cạnh cấy lúa, cây chè giúp người dân nâng cao thu nhập.

Cây chè được đưa vào trồng ở Mường Hum từ năm 2002, trải qua nhiều thăng trầm, cây chè hiện trở thành chủ lực trong phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đến nay, xã có 117 ha (khoảng 75 ha đang cho thu hoạch) với hơn 100 hộ của 3 thôn Mường Hum, Piềng Láo, Ky Quan San trồng. Theo các hộ trồng chè ở Mường Hum chia sẻ, kỹ thuật chăm sóc chè không yêu cầu cao, bên cạnh cấy lúa, cây chè giúp người dân nâng cao thu nhập.

Anh Trương Văn Hướng, thôn Mường Hum cho biết: Trước đây, cây chè chưa trở thành hàng hóa, việc trồng và chăm sóc manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm gần đây, sản phẩm chè Mường Hum được nhiều người biết đến, tiêu thụ thuận lợi và có giá bán cao trên thị trường, gia đình anh đã đầu tư mở rộng diện tích và chăm sóc nâng cao chất lượng chè. Hằng năm, mỗi ha chè của gia đình cho thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng, tùy thuộc vào giá thị trường. Gia đình anh còn thu mua chè búp tươi của các hộ trong vùng về chế biến, bán theo đơn đặt hàng.

Theo đánh giá của UBND xã Mường Hum, mặc dù cây chè được xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Mường Hum nhưng đến nay, cây chè phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, diện tích chè trồng chưa nhiều, thị trường tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào tư thương, nên giá chè búp tươi còn thấp. Chè bát tiên bán được trên 30 nghìn đồng/kg búp tươi, chè shan tuyết bán từ 9 đến 10 nghìn đồng/kg búp tươi. Nhiều hộ thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nguồn nước tưới chưa có và phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Theo ông Sí Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Mường Hum, cây chè đang là nguồn thu quan trọng của người dân địa phương và được xã xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025. Vì vậy, xã quy hoạch mở rộng vùng trồng chè, phấn đấu đến năm 2025 có trên 200 ha chè, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè Mường Hum. Nhằm tăng sự liên kết giữa các hộ trồng chè, tăng khả năng tham gia thị trường đối với sản phẩm chè an toàn, đầu tháng 4/2021, xã thành lập Hợp tác xã chè Hướng Tâm gồm có 7 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng.

Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hái, vận chuyển nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè; khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích ngô, lúa trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng chè; mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, hữu cơ; phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn huyện giúp nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, xã khuyến khích người dân tham gia hợp tác xã để mở rộng vùng nguyên liệu, gắn vùng sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thành công thương hiệu chè Mường Hum.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/345744-dua-cay-che-thanh-the-manh-kinh-te-o-muong-hum