Đưa chính sách ưu đãi đến gần hơn với người lao động dân tộc thiểu số

Các chính sách hỗ trợ lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia thị trường lao động ngoài nước ngày càng đầy đủ. Sự hỗ trợ của Nhà nước đã tạo 'bệ đỡ' cho đồng bào DTTS tự tin hơn khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền để đưa các chính sách ưu đãi này đến gần hơn với người lao động.

Người lao động được đào tạo trước khi phỏng vấn đơn hàng đi làm việc thị trường Nhật Bản tại Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực tập đoàn An Dương tại Quảng Trị -Ảnh: M.T

Người lao động được đào tạo trước khi phỏng vấn đơn hàng đi làm việc thị trường Nhật Bản tại Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực tập đoàn An Dương tại Quảng Trị -Ảnh: M.T

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc tại các huyện nghèo, vùng DTTS, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đặc biệt, ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2025. Thông tư này quy định rõ về nội dung, hình thức, mức hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó, người lao động vùng DTTS và miền núi được hỗ trợ chi phí đào tạo ngoại ngữ tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học; tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50 ngàn đồng/người/ngày; tiền ở trong thời gian đào tạo 400 ngàn đồng/người/ tháng; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân 600 ngàn đồng/người.

Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) khi tham gia đào tạo với mức 200 ngàn đồng/người/khóa học đối với lao động cư trú cách địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên; 300 ngàn đồng/người/khóa học đối với lao động cư trú tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, cách địa điểm đào tạo từ 10 km trở lên. Lao động còn được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi đi làm việc ở nước ngoài với mức tối đa là 750 ngàn đồng/người.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đưa lao động địa phương ra nước ngoài, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, chế độ, chính sách, giúp người lao động hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng thời giúp người dân, nhất là lao động vùng sâu, vùng xa tiếp cận đầy đủ thông tin các đơn hàng, nhu cầu tuyển lao động và hỗ trợ pháp lý trong quá trình làm hồ sơ vay vốn, xuất cảnh...

Tại huyện Hướng Hóa, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2024, huyện đề ra mục tiêu trên 500 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối việc làm thành công.

Kết quả, 780 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ kết nối việc làm thành công, đạt 156% so với kế hoạch của giai đoạn. Những năm qua, công tác tuyên truyền các chính sách của Nhà nước đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài được triển khai đến tận các thôn, bản. Thực hiện tiểu dự án 3, dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững, địa phương được trung ương bố trí 2.593 triệu đồng, dự kiến đến 31/12/2024 giải ngân 2.444 triệu đồng.

Huyện đã triển khai công tác hỗ trợ giao dịch việc làm, truyền thông, tư vấn và đối thoại tại cộng đồng về hỗ trợ việc làm bền vững với sự tham gia của 2.752 người; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn và cộng tác viên của 21 xã, thị trấn với 830 người tham dự.

Thực hiện tiểu dự án 3, dự án 5 về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi (thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025), huyện tổ chức 33 lớp tập huấn, tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn với 3.620 người tham gia.

Thông qua đó, nhiều lao động DTTS trên địa bàn đã đi làm việc ở nước ngoài thông qua chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ người lao động trên địa bàn học nghề, ngoại ngữ để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng khó thực hiện do người lao động không cung cấp đủ hóa đơn, chứng từ để thanh toán theo quy định. Vì thế, kinh phí đã giải ngân của tiểu dự án 3, dự án 5 còn thấp.

Theo Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Hướng Hóa Trần Trọng Kim, nguyên nhân là do các doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện nay chủ yếu tự đào tạo tiếng và đào tạo nghề. Thực tế, các doanh nghiệp này không được cấp phép hoặc không có tư cách pháp nhân để thực hiện đào tạo tiếng và cấp chứng chỉ cho người lao động. Theo quy định, để thực hiện hỗ trợ cho người lao động thì bắt buộc phải có các chứng chỉ đào tạo liên quan và hóa đơn thu phí đào tạo làm cơ sở cho việc thanh toán, quyết toán sau này.

Tại huyện Đakrông, năm 2024 có 29 lao động người DTTS trên địa bàn huyện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Đakrông Nguyễn Xuân Quang cho biết: “Các khoản hỗ trợ chi phí cho người lao động đều được huyện chi đúng người, đúng quy định. Chúng tôi luôn vận dụng linh hoạt để hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ví dụ các khoản chi phí như tiền ăn, tiền xe thì căn cứ vào thời gian học của người lao động tại các trung tâm (có tư cách pháp nhân trong đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề) để hỗ trợ chứ không cần hóa đơn. Các chi phí khác của người lao động như khám sức khỏe, làm hộ chiếu thì căn cứ vào phiếu thu để hỗ trợ”.

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 2,25 triệu người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 4 triệu hộ đồng bào DTTS và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài... Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương trong cả nước phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài...

Các địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu, chính sách hỗ trợ của chương trình MTQG vào kế hoạch đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm; triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của chương trình để tạo “bệ đỡ” cho người lao động tự tin hơn khi quyết định đi XKLĐ.

Minh Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dua-chinh-sach-uu-dai-den-gan-hon-voi-nguoi-lao-dong-dan-toc-thieu-so-190523.htm