Đưa CSGDĐH công lập về Bộ GDĐT quản lý là phù hợp cả cơ sở lý luận và thực tiễn
Một trong những điểm thuận lợi lớn nhất khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập về Bộ GDĐT quản lý đó là đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về GDĐT.
Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ở nước ta hiện đang trực thuộc nhiều bộ/ngành và địa phương khác nhau. Điều này mang lại thuận lợi là có thể tận dụng nguồn lực, chuyên môn, và hỗ trợ chính sách từ cơ quan chủ quản (cơ quan quản lý trực tiếp), giúp phát triển sâu các lĩnh vực đặc thù. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động cũng cho thấy khi mỗi bộ/ngành, địa phương lại có cách quản lý khác nhau nên đôi khi chủ trương chung không được thực hiện đồng bộ và nhất quán.
Hiện nay đất nước đang quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, mục tiêu đảm bảo "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả". Bởi vậy, một số ý kiến đề xuất rằng nên chuyển các cơ sở giáo đại học công lập (trừ các trường khối công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để đảm bảo tính thống nhất và tập trung trong hệ thống giáo dục đại học, đồng thời thúc đẩy tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ - Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Nông nghiệp – Lâm nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp bày tỏ sự nhất trí cao với đề xuất nên chuyển các cơ sở giáo đại học công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, bởi điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp và tinh gọn bộ máy.
"Tôi cho rằng đây là đề xuất hợp lý khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập (trừ các trường khối công an, quân đội) về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để tạo sự thống nhất quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả về quản lý cơ sở giáo dục đại học, cũng như quyền tự chủ của các trường. Tất nhiên khi đó vẫn đảm bảo có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các bộ/ngành và địa phương để tận dụng nguồn lực và chuyên môn, đồng thời đáp ứng các mục tiêu phát triển giáo dục và xã hội”, Giáo sư Trần Văn Chứ chia sẻ và cho rằng, quá trình triển khai ban đầu sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng về lâu dài sẽ giúp cho giáo dục đại học phát triển và tránh nhiều chồng chéo như cơ chế quản lý hiện nay.
Chuyển các cơ sở giáo dục đại học về Bộ GDĐT quản lý giúp khắc phục những tồn tại về cơ chế “xin-cho”
Từng có thời gian dài công tác tại Trường Đại học Lâm nghiệp (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Giáo sư Trần Văn Chứ đánh giá, nhìn chung các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ/ngành, địa phương quản lý được hưởng khá nhiều lợi thế đơn cử như được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất, các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, đặc biệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản,... Ngoài ra, cũng nhiều bộ chủ quản có quỹ đất để hỗ trợ trường mở rộng cơ sở, kết nối doanh nghiệp lớn đầu tư cơ sở thực hành.
Tuy nhiên, Giáo sư Trần Văn Chứ cũng nhìn nhận, việc các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc ở những bộ/ngành, địa phương khác nhau cũng tồn tại nhiều hạn chế.
Khi cơ quan chủ quản là các bộ/ngành và địa phương thì cách thức quản lý của các cơ quan đối với các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Lúc này, việc phân bổ ngân sách nhà nước thông qua cơ quan quản lý trực tiếp cũng khó bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng dựa trên năng lực và kết quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, hiện nay còn rất nhiều các cơ sở giáo dục đại học khi kiện toàn các nhân sự Hội đồng trường, Ban Giám hiệu gặp nhiều khó khăn do vướng cơ chế phân cấp của các bộ/ngành, địa phương với cơ sở giáo dục đại học.
“Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương nên có lộ trình chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các bộ/ngành, địa phương hiện nay về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý”, Giáo sư Trần Văn Chứ nêu ý kiến.
Theo thầy Chứ, một trong những điểm thuận lợi lớn nhất khi chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý đó là đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Điều này giúp khắc phục những tồn tại về cơ chế “xin-cho”, khi hiện nay cơ chế quản lý mỗi bộ/ngành, địa phương một kiểu.
Giáo sư Trần Văn Chứ cũng cho rằng, chủ trương này đã được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng với giáo dục. Ở Việt Nam, việc tách giáo dục đại học cho nhiều Bộ cùng quản lý nên quan điểm chỉ đạo không tạo sự thống nhất toàn diện, đồng bộ, thậm chí gây khó khăn cho người học và cơ sở đào tạo.
“Một thuận lợi nữa mà tôi cho rằng hết sức căn cơ, đó là khi do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý buộc các trường phải tuân thủ nghiêm Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, không có cơ chế “đặc biệt”. Đặc biệt sẽ không còn tồn tại tình trạng “tự chủ mà cái gì cũng phải xin phép” như hiện nay”, thầy Chứ chia sẻ thêm.
Mặc dù đánh giá sẽ mang đến nhiều thuận lợi, song cũng theo thầy Chứ, khi chuyển các trường về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, như vậy đồng nghĩa Bộ cũng sẽ gặp không ít thách thức khi quản lý.
Lấy ví dụ về các trường đại học đào tạo khối nông lâm nghiệp, theo thầy Chứ, khó khăn lớn nhất hiện nay với các trường này là ý thức về công tác tự chủ chưa cao. Các nhà khoa học tuổi cao vẫn còn nhiều, các nhà khoa học trẻ, được đào tạo bài bản, có kỹ năng cao thích ứng thị trường chưa nhiều. Các lĩnh vực khoa học trọng điểm trong các trường khối này chưa vượt ra tầm thế giới mà chỉ mang tính hàn lâm. Các lĩnh vực khoa học đặc biệt khối lâm nghiệp mang tính dài hơi (ví dụ tạo ra giống cây lâm nghiệp vượt trội phải mất 10-12 năm kiểm nghiệm,..). Các thí sinh giỏi khi đăng kí vào học thì ít khi vào khối nông lâm nên chất lượng đầu ra chưa cao.
Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như công tác tuyển sinh. Trong khi đó, phần lớn nguồn thu của các cơ sở giáo dục đại học đến từ học phí (chiếm khoảng 80-90%). Việc tuyển sinh gặp khó khăn dẫn đến nguồn thu của các trường bị suy giảm nghiêm trọng, khiến các trường loay hoay khi tự chủ tài chính.
Phù hợp với nguyên tắc "1 việc không giao cho 2 người"
Cũng đồng tình với đề xuất chuyển các trường công lập về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên tắc quản lý nhà nước về giáo dục sẽ bị vi phạm chừng nào vẫn còn tình trạng nhiều bộ/ngành tham gia quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục đại học nói riêng như hiện nay.
“Theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung từ thời bao cấp, mỗi bộ/ngành phụ trách sẽ quản lý tất cả các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách của mình. Đơn cử như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài quản lý hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp, còn tham gia quản lý cả các cơ sở giáo dục để đào tạo nhân lực cho ngành, hay thậm chí quản lý cả các doanh nghiệp sản xuất ra công cụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
Tuy nhiên, khi nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường, sứ mệnh đào tạo của các trường chuyển từ cung cấp nhân lực các loại cho ngành sang đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho toàn xã hội. Vì vậy, lúc này nhiệm vụ quản lý hoạt động giáo dục đào tạo phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm nhận toàn diện”, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến phân tích.
Điều 105, Luật Giáo dục 2019 cũng đã nêu rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, giáo dục thường xuyên”.
Chưa kể, phần lớn cơ sở giáo dục đại học hiện nay phát triển theo xu hướng đa ngành, đa lĩnh vực (trừ một số khối trường đào tạo y dược, văn hóa- nghệ thuật), do đó khái niệm “trực thuộc” hiện nay cũng không còn đúng ý nghĩa nữa.
Do đó, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, đề xuất chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập (trừ khối các trường công an, quân đội) chưa tự chủ về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý là phù hợp cả về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn. Việc này cũng phù hợp với nguyên tắc "1 việc không giao cho 2 người" như Chính phủ đã đề ra.
Song, về lâu dài, cần tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản để ngăn chặn tệ nạn quản lý kiểu “xin-cho” nhằm giúp tự chủ đại học đi vào thực chất. Lúc này, Hội đồng trường mới thực sự có điều kiện được phát huy đầy đủ như kỳ vọng, tức là trở thành cơ quan thực quyền cao nhất trong nhà trường như Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã chỉ ra. Tất nhiên điều này không có nghĩa phủ nhận vai trò lãnh đạo cực kỳ quan trọng của các cơ quan quản lý nhà nước và của cấp ủy Đảng.
Đối với những trường đã được tự chủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đóng vai trò quản lý về mặt nhà nước, thông qua việc ban hành các chính sách, các chuẩn giáo dục đại học và giám sát các trường về tuân thủ luật pháp. Lúc này, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được “cởi trói” hoàn toàn khỏi cơ chế chủ quản, và được trao quyền tự chủ đầy đủ về các mặt học thuật, tổ chức, nhân sự và tài chính để phát triển. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để giáo dục đại học nước ta thực sự cất cánh.
Giáo sư Trần Văn Chứ cũng cho rằng cần tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản khi có đầy đủ điều kiện. Trên thực tế, hiện mới chỉ có 23 trường đại học công lập được quyền thí điểm thực hiện tự chủ đại học, các trường đại học khác còn lại vẫn đang hoạt động theo cơ chế chủ quản và vẫn nặng bao cấp, đội ngũ lãnh đạo cán bộ, viên chức của các trường đa số từ nhận thức đến hành động thực sự chưa sẵn sàng cho tự chủ, quyền tự chủ các nơi còn chưa đồng đều.
Do đó khi chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, các trường có thể được giao quyền tự chủ nhiều hơn, tránh tình trạng “nhiều cấp quản lý” từ đó giúp trường linh hoạt trong ra quyết định và điều hành, dần dần hướng tới được tự chủ toàn bộ. Làm được như vậy thì nhà nước mới giao tự chủ toàn bộ và bỏ cơ chế chủ quản.
Riêng các trường đại học trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng phải gắn với địa phương nhằm phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương.
Khoản 5 Điều 105 của Luật Giáo dục 2019 đã quy định: “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình…”
Trong chỉ đạo tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (vào hồi đầu tháng 11/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh quan điểm: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các cơ sở giáo dục-đào tạo để có không gian sáng tạo; nâng cao tính tự chủ của các địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. [1]
Theo đó, địa phương phải thật sự xem các trường là “đứa con” của mình, từ đó có trách nhiệm duy trì, hỗ trợ, ưu tiên giao nhiệm vụ và cấp ngân sách hợp lý cho các trường trực thuộc địa phương để các trường thực hiện đúng sứ mệnh của mình như đã cam kết với Chính phủ khi thành lập.
Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần, để phát triển thuận lợi, các trường địa phương nên được tổ chức theo mô hình của trường đại học/cao đẳng cộng đồng rất phổ biến trên thế giới hiện nay.
Trong khi đó, Giáo sư Đào Trọng Thi nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng: “Chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập (trừ khối các trường công an, quân đội) về cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hay vẫn để các bộ/ngành, địa phương cùng quản lý, thực ra đây chính là bài toán về hiệu quả quản lý ở bên nào là tốt nhất”, Giáo sư Đào Trọng Thi nói.
Với xu thế tự chủ đại học, con đường đúng đắn về lâu dài là phải để cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự quyết và tự chịu trách nhiệm về sự phát triển của nhà trường. Các trường không do bộ/ngành nào quản lý trực tiếp. Lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan duy nhất làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-dua-giao-duc-va-dao-tao-viet-nam-theo-kip-cac-nuoc-phat-trien-cang-som-cang-tot-102241102161701251.htm