Đưa đình Tú Thị thành không gian nghệ thuật thêu truyền thống
Sáng 12.2 (Rằm tháng Giêng Ất Tỵ), tại đình Tú Thị, Hà Nội đã diễn ra Lễ dâng hương kỷ niệm 419 năm ngày sinh ông tổ nghề thêu Lê Công Hành và tổng kết dự án triển lãm nghệ thuật - lưu trú sáng tác 'Tơ óng - Màu cây. Đường thêu nét nhuộm xưa - nay'.
![Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm giới thiệu tấm thêu "Lưỡng long tranh châu" là thành quả thời gian lưu trú tại đình Tú Thị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51458610/a0ebd899efd706895fc6.jpg)
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm giới thiệu tấm thêu "Lưỡng long tranh châu" là thành quả thời gian lưu trú tại đình Tú Thị
Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh cho biết, đình Tú Thị, ngụ tại số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, là di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành - người đã đỗ Tiến sĩ đời Vua Lê Thần Tông, được triều đình bổ dụng làm đến chức Thượng thư Bộ Công và có nhiều công lao trong việc sáng tạo và phát triển nghề thêu ở nước ta.
Trong thời gian qua, phường Hàng Gai đã nghiên cứu, tổ chức các hoạt động triển lãm nghề thủ công truyền thống nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách, khách thập phương nghề truyền thống có lịch sử lâu đời của người dân Việt Nam, gắn với di tích đình Tú Thị.
Năm 2025, nhân dịp kỷ niệm 419 năm ngày sinh ông tổ nghề thêu Lê Công Hành, tiếp nối dự án “Chuyện đình trong phố”, phường Hàng Gai đã phối hợp với nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm tổ chức dự án Nghệ sĩ lưu trú với chủ đề “Tơ óng - Màu cây. Đường thêu Nét nhuộm xưa - nay”. Đây là dự án sáng tạo, khá mới mẻ tại Việt Nam.
![Chủ tịch UBND Phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ về chương trình Nghệ sĩ lưu trú tại đình Tú Thị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51458610/051e896bbe25577b0e34.jpg)
Chủ tịch UBND Phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh chia sẻ về chương trình Nghệ sĩ lưu trú tại đình Tú Thị
Dự án Nghệ sĩ lưu trú tại đình Tú Thị cho phép nghệ sĩ tới sáng tác, chia sẻ và mở xưởng trong thời gian 8 tuần, nhằm mang lại những trải nghiệm, tìm tòi và cảm hứng sáng tác mới nhờ tiếp xúc và nghiên cứu sâu sắc các yếu tố văn hóa, con người, không gian… giàu tính di sản của đình. Công chúng có cơ hội tới tham quan các bức tranh thêu cổ được trưng bày trong triển lãm, và theo dõi nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm ngồi thêu tại đình với các bài thêu cổ mang tính di sản.
Trong thời gian lưu trú, nghệ sĩ cũng đã đưa ra những tương tác và đóng góp tới cộng đồng thông qua các hội thảo, workshop và góc đọc sách chuyên ngành thêu. Qua đó, góp phần đưa đình Tú Thị đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, của những nhà nghiên cứu nghệ thuật nói chung và nghệ thuật thêu nói riêng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật thêu.
![Kỳ vọng đình Tú Thị trở thành nơi các nghệ sỹ lưu trú, sáng tác, nhằm lưu giữ và quảng bá nghề thêu truyền thống](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_592_51458610/98220b573c19d5478c08.jpg)
Kỳ vọng đình Tú Thị trở thành nơi các nghệ sỹ lưu trú, sáng tác, nhằm lưu giữ và quảng bá nghề thêu truyền thống
Chủ tịch UBND Phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh kỳ vọng thời gian tới, đình Tú Thị sẽ trở thành một hub nghệ thuật, nơi mà các nghệ sĩ có thể đến lưu trú và sáng tác những tác phẩm thêu tay nhằm lưu giữ và quảng bá nghề truyền thống lâu đời của dân tộc ta, tạo tiền đề hình thành một khu vực phát triển thương mại và văn hóa (BID) theo tinh thần điều 21 Luật Thủ đô về phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra tọa đàm “Nghề thêu Việt Nam, di sản phi vật thể và vốn cổ quý giá cho những sáng tạo trong tương lai”, với sự chia sẻ của các nhà quản lý, nghiên cứu, nhà sưu tập, nghệ sĩ…