Đưa gạo xứ Thanh ra thế giới
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang hướng mạnh ra thị trường quốc tế với yêu cầu khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và quy chuẩn kỹ thuật, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao giá trị và vị thế của nông sản Việt. Điển hình cho xu thế đó là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển VinaGreen với mô hình nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao đặt tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đang trở thành tâm điểm chú ý trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Khởi đầu cho hành trình lớn
Lễ gắn biển công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện Triệu Sơn diễn ra tại Nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao VinaGreen đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong sự phát triển của công ty. Nhà máy, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 200 tỷ đồng, có công suất chế biến lúa gạo đạt 100.000 tấn/năm. Đây không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ISO 22000 và HACCP là những tiêu chuẩn tối quan trọng khi chinh phục các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Indonesia.

Sản phẩm đang hướng tới thị trường xuất khẩu tại Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Indonesia...
Theo ông Cao Trọng Hưng - Giám đốc Công ty VinaGreen, chiến lược cốt lõi hiện nay của công ty là phát triển vùng nguyên liệu gắn với các giống gạo đặc sản có tiềm năng xuất khẩu như: nếp cái hoa vàng, gạo ST25, gạo Japonica. Các vùng nguyên liệu được quy hoạch bài bản tại các huyện đồng bằng của tỉnh Thanh Hóa như: Thọ Xuân, Yên Định, Nông Cống, Triệu Sơn… kết hợp với các vùng liên kết tại miền Tây Nam Bộ như: Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang và Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, hình thành nên mạng lưới sản xuất theo chuỗi khép kín.
“Việc kiểm soát từ giống, quy trình canh tác, đến thu hoạch, bảo quản và chế biến là yêu cầu tiên quyết để đáp ứng các tiêu chí khắt khe về chất lượng của thị trường Nhật Bản hay châu Âu”, ông Hưng chia sẻ.
Ngay sau khi vận hành giai đoạn 1 vào cuối năm 2024, nhà máy đã nhanh chóng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước tại 11 tỉnh, thành phố. Đồng thời, công ty cũng đón tiếp các đoàn khảo sát từ Nhật Bản, Đức, Trung Quốc và Indonesia đến làm việc và đặt vấn đề hợp tác nhập khẩu. Hiện tại, VinaGreen đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến cấp phép xuất khẩu và phấn đấu đưa lô hàng gạo đầu tiên ra thị trường quốc tế vào tháng 8/2025.

Dây chuyền đóng gói của Nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao VinaGreen
Giai đoạn 2 của nhà máy - dự kiến vận hành trong tháng 5 tới, sẽ mở rộng sang các sản phẩm chế biến sâu như bún, miến, phở, bánh gạo, ngũ cốc dinh dưỡng... góp phần đa dạng hóa danh mục sản phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu.
Chuyên gia xuất khẩu nông sản ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại tại Nhật Bản nhận định: “Để gạo Việt vào được các thị trường cao cấp, yếu tố sống còn chính là vùng nguyên liệu chuẩn hóa và mô hình liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. VinaGreen đang đi đúng hướng khi triển khai sản xuất theo chuẩn ISO, xây dựng chuỗi cung ứng rõ ràng và minh bạch”.
Theo ông Minh, các giống gạo ST25 hay Japonica đã có tiếng tăm trên thị trường quốc tế, nhưng khâu tổ chức sản xuất tập trung, đồng bộ về chất lượng mới là điều tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững.

Phát triển nguồn nhân lực, kỳ vọng vươn tầm quốc tế
Một điểm nhấn đáng ghi nhận trong mô hình phát triển của VinaGreen là sự hợp tác sâu với các trường đại học như Đại học Hồng Đức. Đại diện công ty đã đặt hàng nhà trường đào tạo nguồn nhân lực các ngành: công nghệ chế biến, nông học, logistics và quản trị chuỗi cung ứng. Đây là bước chuẩn bị dài hạn nhằm đảm bảo đội ngũ kỹ thuật và quản lý cho giai đoạn mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu.
PGS.TS Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức đánh giá cao nỗ lực của VinaGreen trong việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại và cho biết trường sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như men vi sinh, phân tích thổ nhưỡng và chế biến sâu để đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Giám đốc Nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao VinaGreen giới thiệu dây chuyền công nghệ của Nhà máy
Không chỉ dừng lại ở mục tiêu đưa gạo xứ Thanh ra thế giới, VinaGreen còn xây dựng tầm nhìn dài hạn hướng đến phát triển nông sản bền vững và thân thiện với môi trường. Việc áp dụng công nghệ cao, đầu tư bài bản từ hạ tầng đến con người, cùng chính sách liên kết chặt chẽ với nông dân và hợp tác xã là những nền tảng vững chắc để công ty khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu.
Với chiến lược phát triển vùng nguyên liệu gắn kết cộng đồng, đầu tư mạnh vào công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế, VinaGreen đang đặt những viên gạch nền móng vững chắc cho mục tiêu đưa “gạo xứ Thanh” chinh phục các thị trường khó tính. Đây không chỉ là một câu chuyện thành công của một doanh nghiệp, mà còn là mô hình mẫu mực cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên hành trình hội nhập và phát triển.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dua-gao-xu-thanh-ra-the-gioi-163357.html