Khách Trung chán ngán Thái Lan, Việt Nam hưởng lợi

Việt Nam vượt Thái Lan trở thành điểm đến hàng đầu của khách Trung Quốc trong quý I. Trước đà tụt dốc, du lịch Thái Lan gấp rút tung các gói trợ giá, quảng bá để giành lại thị phần.

 Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh trên cầu vượt ở Bangkok vào tháng 3 năm 2024. Ảnh: Reuters.

Khách du lịch Trung Quốc chụp ảnh trên cầu vượt ở Bangkok vào tháng 3 năm 2024. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, nước ta đón 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc trong quý I, tăng mạnh 178% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng giúp ngành du lịch Việt vượt qua Thái Lan (với 1,3 triệu lượt) để dẫn đầu Đông Nam Á về lượng khách Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Thái Lan để mất vị trí số một vào tay Việt Nam.

Sự thay đổi này được cho nhờ vào chi phí du lịch tại Việt Nam rẻ hơn Thái Lan khoảng 30%, hệ thống hạ tầng du lịch được cải thiện, các điểm tham quan mới liên tục ra mắt và đặc biệt là không gặp các vấn đề về an toàn - yếu tố đang khiến du khách Trung Quốc e ngại khi đến Thái Lan, theo Bangkok Post.

Ông Adith Chairattananon, Tổng thư ký danh dự của Hiệp hội Các công ty lữ hành Thái Lan (Atta), cho biết: “Các tour Việt Nam không chỉ rẻ hơn, mà còn có thêm các tiện ích và dịch vụ linh hoạt. Thêm vào đó, Việt Nam đang tích cực mở rộng chiến lược tiếp cận các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ và Đài Loan, vốn từng là thế mạnh của Thái Lan”.

Ngoài ra, một nghiên cứu từ China Trading Desk khảo sát hơn 15.000 du khách Trung Quốc cho thấy Thái Lan tụt từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 7 trong danh sách các điểm đến yêu thích của khách đại lục, chỉ trong vòng 3 tháng. Điều này phản ánh rõ sự suy giảm lòng tin, đặc biệt sau các sự kiện gây lo ngại về an toàn như vụ bắt cóc diễn viên Vương Tinh và trận động đất gần đây tại Myanmar gây ảnh hưởng đến Thái Lan.

 Khách du lịch Trung Quốc mặc trang phục truyền thống của Thái Lan tham quan chùa Wat Arun ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Khách du lịch Trung Quốc mặc trang phục truyền thống của Thái Lan tham quan chùa Wat Arun ở Bangkok. Ảnh: Reuters.

Trước tình hình lượng khách không khả quan, Hiệp hội Các công ty lữ hành Thái Lan (Atta) đề xuất Chính phủ Thái Lan dành 320 triệu baht (gần 9 triệu USD) để trợ giá cho 1.000 chuyến bay thuê bao từ 20 thành phố hạng hai của Trung Quốc trong 3 tháng tới. Mỗi chuyến bay dự kiến được hỗ trợ 300.000 baht và sẽ chuyên chở tối thiểu 150 du khách, giúp mang lại khoảng 150.000 lượt khách Trung Quốc đến Thái Lan.

Đồng thời, hiệp hội kiến nghị tổ chức các sự kiện quảng bá tại 4 thành phố lớn gồm Trùng Khánh, Hàng Châu, Nam Kinh và Trường Sa - những trung tâm tăng trưởng mạnh với GDP quý I đạt 5,6%.

Ông Adith Chairattananon cho rằng chiến lược giá cạnh tranh là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, bất chấp lo ngại việc tái xuất hiện các tour "0 đồng". Theo ông, vấn đề cốt lõi là niềm tin vào độ an toàn ở Thái Lan đã giảm.

Tuy nhiên, ngân sách hạn chế khiến các kế hoạch tiếp thị của Thái Lan đành phải thu hẹp. Sự kiện đón đoàn lữ hành Trung Quốc cuối tháng 5 sắp tới giảm từ 600 xuống còn 400 người tham dự.

Dự kiến, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra có tham gia để phát đi thông điệp cam kết đảm bảo an toàn cho du khách Trung Quốc.

 Sau vụ việc nam diễn viên Vương Tinh mất tích tại Thái Lan có liên quan đến nạn buôn người, nhiều du khách Trung Quốc có kế hoạch đến xứ sở Chùa Vàng vào dịp Tết Nguyên đán đã hủy lịch. Ảnh: George Pak/ Pexels.

Sau vụ việc nam diễn viên Vương Tinh mất tích tại Thái Lan có liên quan đến nạn buôn người, nhiều du khách Trung Quốc có kế hoạch đến xứ sở Chùa Vàng vào dịp Tết Nguyên đán đã hủy lịch. Ảnh: George Pak/ Pexels.

Thái Lan hiện chỉ đón trung bình 5.800 lượt khách Trung Quốc/ngày - con số thấp hơn đáng kể so với mức 15.000-20.000 trước đại dịch. Với đà sụt giảm này, một số chuyên gia trong ngành lo ngại xứ Chùa Vàng khó đạt mục tiêu 7 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm 2025, thậm chí có thể không vượt mốc 5,5 triệu - thấp hơn cả con số 6,7 triệu năm 2024.

Bên cạnh nỗ lực giành lại thị trường Trung Quốc, Thái Lan cũng đang tái cơ cấu chiến lược tiếp thị với mục tiêu tập trung vào các thị trường dài ngày có khả năng chi tiêu cao. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), các thị trường châu Âu như Thụy Điển, Áo, Anh hay Ả Rập Xê Út đang có mức chi tiêu trung bình cao - từ 60.000 đến gần 70.000 baht mỗi lượt khách.

Đây được xem là cơ hội để Thái Lan bù đắp phần thiếu hụt từ thị trường châu Á đang giảm 17% trong quý đầu năm. Bà Natthriya Thaweevong, thư ký thường trực Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, cho biết kế hoạch điều chỉnh đang được gấp rút hoàn thiện để triển khai trong nửa cuối năm 2025. Trong đó, trọng tâm sẽ là các phân khúc có khả năng chi tiêu cao như du lịch y tế, lưu trú dài hạn và gia đình.

Các chỉ số đánh giá hiệu quả tiếp thị của TAT cũng sẽ được điều chỉnh theo quốc tịch và đặc điểm chi tiêu, với mức chuẩn mới cho các thị trường dài ngày là 2.0 và thị trường ngắn hạn từ 0.5 đến 1.0.

Trong khi Thái Lan vẫn đang tìm hướng phục hồi, Việt Nam với lợi thế chi phí thấp, hạ tầng cải thiện và hình ảnh điểm đến an toàn, đang nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Nếu không có bước đi quyết liệt, Thái Lan có thể tiếp tục đánh mất vị thế vốn có trong khu vực Đông Nam Á - nơi cuộc cạnh tranh du lịch đang ngày càng gay gắt.

Quỳnh Trang

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-trung-chan-ngan-thai-lan-viet-nam-huong-loi-post1548738.html