Đưa hiện tượng '1977 vlog' vào đề thi môn Hóa học lớp 9 gây tranh cãi trên mạng xã hội
Một đề thi học kỳ I của Trường THCS Phú Xá (Thái Nguyên) vừa được chia sẻ trong một hội nhóm Facebook với hiện tượng '1977 Vlog' khiến khá nhiều người thú vị. Tuy nhiên, nó không phải đề thi môn Văn hay Lịch sử mà lại là môn... Hóa học.
Nhiều người cho rằng người ra đề đã cập nhật tin tức khi nắm bắt được "gu" của giới trẻ cũng như đưa được 1 hiện tượng đang rất hot trên MXH với những câu nói nổi tiếng cực kỳ theo trend. Điều này giúp các bạn trẻ say mê môn học, khiến đề thi Hóa học trở nên đỡ khô khan, cứng nhắc hơn mà không làm ảnh hưởng gì đến nội dung chính đề thi.
Dù việc đưa "1977 Vlog" vào đề bài chỉ là cách dẫn chuyện cho câu hỏi chính, làm cho đề hấp dẫn hơn, thêm hay thiếu nó cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung chính đề bài. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng những đề thi kiểu này có tính theo trend phù hợp với giới trẻ và có tác dụng khiến học sinh hứng thú hơn với việc học hành, thi cử.
Trong đề thi đã có những câu hỏi liên quan như sau:
- "Giáo án lửa thiêng của ông giáo trong tác phẩm của 1977 Vlog được viết trên trang giấy trắng. Vậy chất khí để tẩy trắng trông quá trình sản xuất giấy là gì?...".
- "Câu nói nổi tiếng cư dân mạng giới trẻ hiện nay "hãy tôn trọng hàm răng" của Vlog 1977. Vậy trong thành phần của răng có kim loại nào?...".
Nhiều học sinh đã bình luận thế này:
"Nghe thì Hư Trúc nhưng lại rất Mộ Dung Phục (nghe vô lý nhưng lại rất thuyết phục"; "Đề như thế mới theo kịp học sinh ngày nay"...
1977 Vlog được coi là một hiện tượng triệu view, là hiện tượng của giới sản xuất Vlog tại Việt Nam. Với 4 video không dài quá 6 phút, 1977 Vlog đã xuất sắc đạt được Nút Vàng của Youtube. 1977 Vlog đã tạo lập nên kỷ lục mà có lẽ hiếm hoi Youtuber Việt Nam có thể đạt được. Cách làm video thông minh với những câu nói đã thành hiện tượng MXH thu hút được đông đảo sự thích thú, hào hứng của giới trẻ.
Từ những điển tích trong các tác phẩm văn học Việt Nam nổi tiếng như: Vợ chồng A Phủ, Chí Phèo, Lão Hạc, Tắt đèn... 1977 Vlog cho ra đời những video "ăn theo" với góc nhìn mới lạ, cách thể hiện hài hước cùng những câu thoại đậm tính châm biếm, "bắt trend" theo xu hướng. Những câu nói này được nêm vào gia vị hài hước đời thường, đến từ trí óc sáng tạo cừ khôi của 3 chàng trai đã nhanh chóng tạo thành những câu nói có tính bắt và tạo trend nhanh chóng.
Nói về việc đưa hiện tượng "1977 Vlog" vào đề thi, ngoài những ý kiến ủng hộ về sự đổi mới trong việc ra đề thi gắn liền với tình hình thực tế cuộc sống, cũng có những ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng những hiện tượng từ MXH không phổ biến rộng với tất cả học sinh có thể gây ra sự phân tâm trong tư tưởng hoặc làm mất đi tính nghiêm túc cùa đề thi.
Cô Phan Thị Hoài Thanh (Phó hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn tỉnh Phú Thọ) có nhận xét về cách ra đề ở trường hợp cụ thể này như sau: "Việc đưa hiện tượng từ MXH vào môn Giáo dục công dân hay Văn học thì có lẽ sẽ hợp lý hơn. Trong trường hợp này đưa 1997 Vlog vào môn Hóa học thì dường như hơi vô duyên. Vì hiện tượng đưa ra với nội dung câu hỏi dường như không có chút ăn nhập gì cả. Chỉ đơn giản kiểu như có cô giáo hỏi học sinh: "chạy còn đồng nghĩa với từ nào?" gợi ý để học sinh trả lời là lồng, phi. Sau đó cô nói "hôm nay ta sẽ học bài Châu Phi"...".
Cuối cùng, dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có lẽ việc đổi mới sáng tạo về tư duy trong việc dạy và học trong nhà trường là luôn cần thiết. Có điều nên lắng nghe những tiếp nhận từ học sinh, những đánh giá từ các nhà chuyên gia để những góc đổi mới phù hợp với tính thực tiễn và có giá trị cao trong việc dạy và học ở các cấp bậc phổ thông.
Theo: Helino