Đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào khuôn khổ
Mấy ngày qua, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT), có hiệu lực thi hành từ ngày 14-2-2025 (gọi tắt là Thông tư 29), đã làm đảo lộn việc học tập của nhiều học sinh. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành văn bản hướng dẫn triển khai Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, nhưng hầu hết các trường, giáo viên trường công lập đã ngừng tổ chức các lớp học thêm. Một số nơi còn yêu cầu giáo viên viết cam kết không vi phạm quy định về DTHT.
Với Thông tư 29, Bộ GD-ĐT thể hiện quyết tâm đưa hoạt động DTHT vào khuôn khổ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, tránh tiêu cực. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành giáo dục đã và đang kêu gọi sự chung tay của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức, đoàn thể trong xã hội và cả sự hợp tác của người học.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không khỏi phát sinh trường hợp “lách luật” nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế như: DTHT được “ngụy trang” bằng hình thức dạy kèm, giữ trẻ ngoài giờ; xuất hiện mô hình “trung tâm hợp tác xã” để trao đổi, hợp thức hóa các đối tượng học sinh với nhau…
Đặc biệt, ở các khu vực vùng ven, xa trung tâm thành phố, hệ thống trung tâm DTHT còn hạn chế, người học không có nhiều lựa chọn, buộc phải tập trung về các quận trung tâm, làm gia tăng áp lực giao thông và gánh nặng chi phí không cần thiết cho người học.
Trên thực tế, quy định chỉ “siết” hoạt động dạy thêm của giáo viên chứ không thể làm giảm nhu cầu học thêm của học sinh, bởi đây là nhu cầu có thật. Việc quản lý DTHT dù được cải tiến theo hướng “mở” khi công nhận đây là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song vẫn chưa tạo được sự yên tâm, thuyết phục từ chính đội ngũ giáo viên khi đánh đồng dạy thêm là tiêu cực.
Mới đây, một quận ở TPHCM đã triển khai kế hoạch kiểm tra các điểm tổ chức DTHT trên địa bàn với lực lượng hùng hậu, chuẩn bị xe để “áp giải” bàn ghế của các điểm dạy thêm chưa được cấp phép.
Trên một diễn đàn dành cho giáo viên phổ thông, chia sẻ của một giáo viên tiểu học đã thu hút hàng trăm lượt tương tác của các thành viên với nội dung: “Chúng tôi bán thời gian, công sức để đổi lấy thu nhập chính đáng, không ăn cắp, lừa lọc ai. Dù có vi phạm thì hãy xử lý văn minh với chúng tôi, đừng nhân danh mục đích đảm bảo sự tôn nghiêm của nghề giáo mà làm tổn thương những người thầy”.
Trong bối cảnh giáo dục đang có nhiều biến động từ chương trình, quy chế thi cử, chế độ lương bổng dành cho giáo viên, cơ quan quản lý cần có sự chuẩn bị chu đáo trước mỗi quyết sách, tránh tạo tâm lý hoang mang trong chính đội ngũ của mình. Trong đó, dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh là hai “mắt xích” không thể tách rời, nếu “siết” ở mắt xích này nhưng không tạo hướng “mở” ở mắt xích kia thì sẽ đẩy cả người dạy lẫn người học vào thế khó, không phát huy hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dua-hoat-dong-day-them-hoc-them-vao-khuon-kho-post781465.html