Thi vào 10 gồm Toán, Ngữ văn và một môn thứ ba có khiến học lệch từ THCS?

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nếu chỉ thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn cùng với môn thi thứ ba sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Trong đó, với kỳ thi tuyển vào lớp 10, theo hình thức thi tuyển, học sinh thi Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau:

Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp; Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, thực tế trong số hơn 20 tỉnh thành đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026 thì chưa có địa phương nào chọn bài thi tổ hợp.

Trong khi đó, theo GS.TS Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, đối với kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông, ngoài môn Toán và Ngữ Văn là 2 môn bắt buộc, điển hình cho 2 loại hình tư duy tối cần thiết để con người tồn tại và phát triển trong xã hội, cần có thêm 1 bài thi tổng hợp bao gồm nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở bậc trung học cơ sở.

Nên yêu cầu học sinh làm 1 bài thi tổng hợp?

Bàn luận về vấn đề bài thi tổ hợp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình Ngữ văn trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chia sẻ: “Có thể thấy rõ nếu chỉ thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn cùng với môn thi thứ ba, (thường là Tiếng Anh) sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch. Từ thực tế này, làm sao để có thể tìm giải pháp phù hợp.

Theo tôi, một trong những giải pháp là ngoài môn Toán và Ngữ Văn, nên yêu cầu học sinh làm 1 bài thi tổng hợp. Bài thi này phải phản ánh được kiến thức và kĩ năng của những môn học còn lại. Việc chỉ chọn 1 môn học khác, dù môn này không liên tiếp trong 3 năm cũng chưa thật sự là giải pháp tối ưu.

Tuy nhiên, đề thi tổng hợp cũng có điểm khó. Vì người ra đề chỉ am hiểu 1 môn học, bởi vậy cần có ngân hàng câu hỏi từ các môn học. Từ đó, người ra đề chỉ lựa chọn và tổ hợp thành đề thì mới thuận lợi và bảo đảm độ chính xác, khoa học. Ngoài ra, đáp án bài thi bài tổng hợp cũng cần rõ ràng mới thuận lợi cho người chấm bài".

 Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Ảnh minh họa: Phạm Minh.

Trước đề xuất, cần bài thi tổng hợp để tuyển sinh vào lớp 10, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khóa XV, nêu quan điểm, bài thi này sẽ có tính chất tổng quát, đánh giá được kiến thức, năng lực của học sinh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có cả khoa học xã hội, khoa học tự nhiên... giúp thực hiện mục tiêu đào tạo, giáo dục toàn diện.

Việc Thông tư giao Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương tổ chức lựa chọn môn thi hoặc bài thi thứ ba và tổ chức thi tuyển theo quy định giúp địa phương chủ động để phù hợp tình hình thực tế của mỗi nơi. Do vậy, nhiều tỉnh, thành phố lựa chọn môn thứ ba là Tiếng Anh cũng có lý do hợp lý. Điều kiện học tập môn Tiếng Anh giữa các vùng, miền vẫn đang có sự chênh lệch về giáo viên cũng như các điều kiện về kinh tế, dịch vụ. Vì thế, địa phương khác cũng có thể cân nhắc bài thi tổng hợp.

Nếu chỉ chọn 1 môn trong số những môn học còn lại sẽ chưa thực sự toàn diện, hơn nữa giai đoạn từ tiểu học đến trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục bắt buộc, nên nếu có thể thực hiện bài thi tổng hợp để đánh giá cũng là phương án tốt. Đặc biệt, công bố dạng thức đề thi để học sinh làm quen một hai năm tránh tâm lý bỡ ngỡ, giúp các em có phương hướng ôn tập thì tôi nghĩ một vài năm tới nếu chọn phương án này sẽ giúp điều chỉnh việc dạy và học ở bậc trung học cơ sở.

Tất cả các môn học đều quan trọng như nhau

Thành phố Hải Phòng từng là một trong những địa phương tổ chức bài thi tổ hợp để tuyển sinh lớp 10 nhưng sau một vài năm thực hiện, địa phương lại quay về phương án thi vào lớp 10 với 3 môn.

Kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2025-2026, môn thi thứ 3 được lựa chọn trong kì thi vào lớp 10 của Thành phố Hải Phòng là Ngoại ngữ (bao gồm: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn, Tiếng Trung Quốc).

Chia sẻ về kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ông Trần Tiến Chinh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Phòng cho biết: “Việc thi môn học nào, hình thức thi ra sao mang tầm ảnh hưởng lớn, tác động đến cả cộng đồng.

Thứ nhất thực thi phải bám vào các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ hai là phụ thuộc vào thực tế kinh tế, xã hội của từng địa phương nơi tổ chức kỳ thi.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thấu hiểu lo lắng, tâm tư của phụ huynh, học sinh và nhân dân thành phố trước mỗi kỳ thi, bản thân kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng là kỳ thi “nóng”, quan trọng.

Kỳ thi vào 10 của Thành phố sẽ được tổ chức dựa trên tinh thần kiến tạo và phục vụ tốt nhất cho học sinh, phụ huynh, đảm bảo sự thuận lợi, hài hòa mà vẫn đáp ứng các yêu cầu, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hải Phòng, trước khi tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố để ban hành việc là lựa chọn môn thứ ba, chúng tôi đã thực hiện các bước lấy ý kiến từ nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh".

Với những lo ngại về vấn đề học lệch, nếu đề thi tuyển sinh lớp 10 vẫn thường chỉ là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), ông Trần Tiến Chinh bày tỏ: “Theo chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo đến tất cả các Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước, không chỉ riêng đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Phòng, các nhà trường bắt buộc phải đảm bảo nội dung chương trình và kế hoạch thời gian năm học đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành, quy định cho từng năm học, dựa theo khung chương trình năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều này có nghĩa là tất cả các môn học đều quan trọng như nhau, còn việc học lệch lại xuất phát từ cách hiểu, cách nghĩ của từng cá nhân”.

Chia sẻ thêm về việc môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ khẳng định: "Theo tôi, mốc thời gian này là hợp lý. Nếu thông báo môn thi hoặc bài thi thứ ba sớm, học sinh sẽ dễ học tủ, học lệch; nếu công bố muộn thì vấn đề tập trung ôn thi, thời gian ôn tập có thể không đảm bảo. Tinh thần của chúng ta vẫn là phải học đều tất cả các môn và chuẩn bị tinh thần các môn đều có thể thi".

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-vao-10-gom-toan-ngu-van-va-mot-mon-thu-ba-co-khien-hoc-lech-tu-thcs-post249094.gd