Đưa học sinh đi trải nghiệm: Thiết thực nhưng phải an toàn

Ngày 29-3, sự việc học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) nghi ngộ độc thực phẩm trong quá trình đi trải nghiệm đang dần khép lại, hầu hết học sinh đã cơ bản bình phục. Tuy nhiên, sự việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường, bởi đã có không ít sự việc tương tự diễn ra trên phạm vi cả nước.

Hoạt động nằm trong chương trình

Sau mỗi sự cố đáng tiếc liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho học sinh tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa nói chung, nhiều phụ huynh học sinh lại lo lắng, không muốn cho con tham gia. Thậm chí, có không ít phụ huynh cho rằng, đây là hoạt động tự phát, không cần thiết phải tham gia.

Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với lãnh đạo một số phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội để tìm hiểu về nội dung này. Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Đào Tân Lý cho biết, nội dung hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các trường học trên địa bàn thành phố triển khai từ năm học 2020-2021 theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cơ bản, đến nay hoạt động này đã đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tích cực trong học sinh, nhất là trong việc hình thành kỹ năng.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có thêm nhiều kỹ năng.

Hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có thêm nhiều kỹ năng.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 3535/BGDĐT-GDTH ban hành ngày 19-8-2019, hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020-2021 trên cả nước, thời lượng 105 tiết/năm học. Nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu gồm: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần bảo đảm mục tiêu giáo dục và an toàn cho học sinh.

Ở cấp học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có quy định cụ thể với các trường nhằm tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có hoạt động tham quan. Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Hữu Trung nhận định: Về cơ bản, các trường đều thực hiện đúng quy trình quy định, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở một vài nơi vẫn xảy ra rủi ro vì nhiều nguy cơ phát sinh.

Trách nhiệm từ nhiều phía

Nhìn lại các sự việc đáng tiếc đã xảy ra, có thể thấy nguyên nhân khiến học sinh bị tai nạn thương tích do nhiều nguyên nhân như học sinh hiếu động, không tuân thủ quy định chung; sự phối hợp trong quản lý, giám sát học sinh chưa chặt chẽ... Sự việc mới đây của Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) là nghi ngộ độc thực phẩm... Rõ ràng, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn cần sự góp sức của cha mẹ học sinh và cả học sinh.

Chia sẻ về cách tổ chức nội dung này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, nhà trường thực hiện đúng quy định của quận là tổ chức tối đa 2 lần/năm học. Để quản lý tốt hơn, tránh quá đông học sinh tham gia dẫn đến mất kiểm soát, nhà trường thường chia học sinh làm 2 đợt, một đợt dành cho học sinh lớp 1, 2 và 3; đợt còn lại cho học sinh lớp 4 và 5. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn đơn vị có đủ hồ sơ pháp lý và năng lực, trong đó tìm hiểu kỹ về địa điểm, quy trình tổ chức, các trò chơi mà học sinh sẽ tham gia... Trước khi triển khai, nhà trường và đại diện cha mẹ học sinh trực tiếp đi khảo sát, rà soát kỹ toàn bộ quy trình và các nội dung; các trò chơi, địa chỉ có nguy cơ không an toàn không được đưa vào chương trình. Nhà trường cũng thận trọng với các địa điểm trải nghiệm mới hoặc lâu ngày chưa vận hành lại...

Đồng tình với hiệu quả của các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm học tập ở ngoài không gian lớp học, ông Bùi Hồng Hiếu, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) cho rằng, nhà trường phải bảo đảm xây dựng quy trình khép kín từ khi các con lên xe tới khi trở về trường và thông tin đầy đủ, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Phía cha mẹ học sinh cần tham gia, không thể phó thác hết cho trường bởi hầu hết học sinh rất hiếu động, giáo viên chủ nhiệm khó thể kiểm soát được. Gia đình cũng cần thông tin kỹ với giáo viên nếu con có những đặc điểm khác biệt về sức khỏe hoặc tính cách như dị ứng món ăn, dị ứng côn trùng, tính cách bướng bỉnh...; đồng thời có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, kín việc, để mắt tới những học sinh có cá tính.

Còn em Nguyễn Thị Anh, học sinh Trường Trung học cơ sở Cự Khối (huyện Gia Lâm) bày tỏ, em và các bạn đều rất thích các chuyến đi trải nghiệm ngoài nhà trường, đặc biệt là được được đến những di tích lịch sử trên địa bàn, tham quan làng nghề gốm Bát Tràng, làng nghề Kiêu Kỵ... Qua mỗi chuyến đi, chúng em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm. Chúng em cũng nhắc nhở nhau cố gắng tuân thủ hướng dẫn chung để tất cả cùng được an toàn.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khuyến cáo các trường không nên đưa học sinh đi quá xa. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ chính khóa của nhà trường cần bảo đảm hiệu quả giáo dục, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và an toàn tuyệt đối cho học sinh. Hiệu trưởng nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở, tập thể nhà trường và cha mẹ học sinh về việc triển khai.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/1059699/dua-hoc-sinh-di-trai-nghiem-thiet-thuc-nhung-phai-an-toan