Đưa 'kim cương xanh' lên mạng xã hội, hướng đi giúp người Mông thoát nghèo
Việc phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng – kim cương xanh của Yên Bái trên internet được xem là một trong những hướng đi giúp người Mông thoát nghèo.
Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái từ bao lâu nay vẫn nổi tiếng khắp chốn gần xa với giống chè Shan tuyết cổ thụ quý hiếm, được mệnh danh là kim cương xanh của núi rừng Tây Bắc. Nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, xã Suối Giàng có gần 300ha chè cổ thụ có tuổi đời từ 100-300 năm.
Suối Giàng là một xã nghèo đặc biệt khó khăn tọa lạc tại huyện Văn Chấn với 98% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Suối Giàng là hơn 40%, thời gian qua, thông qua các chương trình, chính sách dân tộc cùng sự nỗ lực của các cấp chính quyền cùng người dân địa phương, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Suối Giàng trong năm 2023 đã giảm xuống còn gần 29%. Dự kiến vào năm 2024, xã Suối Giàng sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức chỉ còn dưới 16% theo tiêu chí mới được đề ra. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 37 triệu đồng.
Những năm qua, người đồng bào dân tộc Mông nơi đây chưa biết cách quảng bá sản phẩm chè nổi tiếng của mình nên giá thành sản phẩm còn thấp, thường bị thương lái ép giá. Để giúp đồng bào dân tộc Mông tại xã Suối Giàng cải thiện thu nhập, thoát nghèo nhờ cây chè cổ thụ, Hà Thị Hoài Ngọc, một cô gái GenZ người dân tộc Mường đã tận dụng internet, MXH như Tik Tok shop, Shopee, Facebook để quảng bá sản phẩm chè đặc trưng của Yên Bái, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc Mông tại Suối Giàng.
Cũng có chung nỗi niềm trăn trở với cây chè Shan tuyết, Sùng A Tủa, chàng trai người Mông ở xã Phình Hồ cũng luôn đau đáu tìm ra những hướng đi mới để đưa “kim cương xanh” của núi rừng Tây Bắc lan tỏa khắp muôn nơi.
“Xã Phình Hồ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cây chè Shan tuyết cổ thụ quý giá. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý đi lại khó khăn, chủ yếu là đồi núi cao, người dân địa phương nhận thức còn hạn chế nên thường bị thương lái ép giá chè. Chính vì thế, với mong muốn giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập, thoát nghèo nhờ cây chè, tôi đã thành lập HTX để hướng dẫn người dân các chăm sóc chè, thu hoạch chè và thu mua với mức giá ổn định cho người dân”, anh A Tủa chia sẻ.
Với sức hút của một hot Tiktoker với hơn 200.000 lượt người theo dõi, Sùng A Tủa thường xuyên livestream để quảng bá về sản phẩm chè Shan tuyết của Trạm Tấu.
Với gương mặt tươi tắn, giọng nói sang sảng đậm chất Tây Bắc, những clip quảng bá về sản phẩm chè Shan tuyết của anh A Tủa luôn thu hút người xem và đặt mua.
“Để có thể quảng bá được sản phẩm hiệu quả trên các nền tảng MXH, tôi cũng đã phải cố gắng học hỏi, tìm hiểu để hiểu về nền tảng. Tôi thường quay lại các video về cuộc sống của người dân vùng cao Phình Hồ để mọi người hiểu hơn về mảnh đất, con người nơi đây. Nhờ đó, mọi người sẽ biết tới nông sản của địa phương nhiều hơn, qua đó giúp cải thiện cuộc sống của bà con nơi đây”, anh A Tủa chia sẻ.
Song song với đó, A Tủa còn hướng dẫn bà con cách tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trồng trọt từ nguồn tri thức vô tận trên internet, giúp bà con tiếp cận nhiều hơn với MXH để quảng bá sản phẩm do chính mình làm ra.
Để có được những kết quả như ngày hôm nay, theo Sùng A Tủa, bản thân phải trang bị cho mình kiến thức, kinh nghiệm cùng trải nghiệm thực tế. Phình Hồ là xã vùng cao khó khăn, 100% dân số là người Mông, cuộc sống chủ yếu dựa vào làm nương, làm rẫy, trong khi đất đai cằn cỗi, thiếu nước canh tác thì cái đói, cái nghèo cứ đeo bám.
Cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông tại xã Suối Giàng và Phình Hồ đang thay đổi từng ngày nhờ những người trẻ như Hoài Ngọc và A Tủa – những chàng trai cô gái đồng bào dân tộc thiểu số đang dành cả sự yêu thương, tâm huyết để nỗ lực từng ngày đưa sản phẩm chè của quê hương tới rộng khắp muôn nơi, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.