Tin Công Thương 8/5: Chuẩn hóa chất lượng để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu rau quả

Ngày 8/5, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu

Tạp chí Tài chính hôm nay, ngày 8/5, đăng tải thông tin: "Chuẩn hóa chất lượng để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu rau, quả"

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để ngành rau, quả Việt Nam thực sự “vươn ra biển lớn”, cần một bước chuyển căn cơ, toàn diện. Trong đó, cần thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, với sự tham gia trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và cơ quan quản lý; tăng cường kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến đóng gói, chế biến…

Theo đó, rau, quả Việt Nam phải sản xuất theo chuỗi liên kết chuyên nghiệp, hướng đến thị trường quốc tế. Việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến rau, quả đã và đang thực hành sôi động, hiệu quả. Áp dụng từ các viện nghiên cứu, trường, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ trở thành yếu tố quan trọng hoạt động khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát triển ngành rau, quả xuất khẩu bền vững của Việt Nam…

4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau, quả đạt 1,62 tỷ USD. Ảnh minh họa

4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau, quả đạt 1,62 tỷ USD. Ảnh minh họa

Báo Nhân dân đăng tin: "Thị trường Trung Quốc đang dẫn đầu nhập khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam"

Trong quý I/2025, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đã đạt tổng kim ngạch 63 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước. Với thị trường Trung Quốc, mặt hàng này vươn lên chiếm 37% thị phần nhập khẩu. Sự gia tăng không chỉ nhờ quy mô tiêu thụ lớn mà còn do sự linh hoạt trong quy chuẩn nhập khẩu của thị trường này.

Trong bối cảnh EU, thị trường truyền thống đang giảm tỷ trọng do yếu tố cạnh tranh và quy định khắt khe hơn, Trung Quốc nổi lên như một thị trường chiến lược. Ngoài quy mô tiêu thụ lớn, thị trường này còn linh hoạt hơn trong quy chuẩn nhập khẩu và có hệ thống tiêu thụ đa dạng từ siêu thị đến chợ đầu mối.

Trung Quốc hiện nhập khẩu nhiều nhất các loại ốc hương, nghêu và điệp. Trong đó, ốc hương sống chiếm áp đảo với gần 16 triệu USD, tiếp theo là nghêu sống gần 5 triệu USD và điệp đông lạnh gần 3 triệu USD. Cơ cấu nhập khẩu này cho thấy rõ xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tươi sống và đông lạnh chất lượng cao, một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nhuyễn thể của Việt Nam.

Lĩnh vực thị trường trong nước

Báo Tiền phong đăng tin: "Thí điểm sàn giao dịch thịt heo"

Trước những bất cập trong cung - cầu và giá thịt heo, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND thành phố thí điểm tổ chức Sàn giao dịch thịt heo, tận dụng hạ tầng công nghệ và cơ sở pháp lý sẵn có của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, mô hình sàn giao dịch sẽ giúp minh bạch thông tin giá, tạo cơ hội cho các trại nuôi và doanh nghiệp giao dịch trực tiếp với bên mua mà không cần qua trung gian. “Giao dịch trực tuyến sẽ giúp giảm chi phí phát sinh, rút ngắn quy trình đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó, người tiêu dùng có thể được mua giá rẻ hơn” - ông Phương khẳng định.

TP. Hồ Chí Minh hiện tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày với tổng giá trị ước tính gần 20.000 tỷ đồng/năm. Với quy mô này, nếu sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, không chỉ góp phần bình ổn thị trường thịt heo mà còn có thể mở rộng sang các mặt hàng thiết yếu khác như thịt gia cầm, thủy sản, gạo..., thậm chí là tín chỉ carbon. Đây cũng là bước đi quan trọng hướng tới việc hình thành Sở Giao dịch Hàng hóa TP. Hồ Chí Minh, phù hợp định hướng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.

Lĩnh vực phòng vệ thương mại

Báo Bnews đăng tải thông tin: "Tuân thủ về xuất xứ hàng hóa để tránh phát sinh rủi ro phòng vệ thương mại"

Thương mại toàn cầu diễn biến ngày càng khó lường, hoạt động xuất nhập khẩu đối diện không ít thách thức từ các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và lẩn tránh PVTM. Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên, chủ động ứng phó với các hình thức khác nhau của PVTM. Mỗi doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, chứng minh tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa rõ ràng. Song song đó, cần đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì chỉ tập trung vào giá.

Trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra nước ngoài và phối hợp với Cục PVTM cũng như các hiệp hội ngành hàng để được hỗ trợ kịp thời. Việt Nam với vị thế là quốc gia xuất khẩu lớn phải chủ động trong việc bảo vệ lợi ích ngành hàng và duy trì bền vững thị trường xuất khẩu. Hệ thống cảnh báo sớm cùng sự chủ động từ phía doanh nghiệp là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại và duy trì tăng trưởng bền vững.

Báo Công Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-85-chuan-hoa-chat-luong-de-giu-da-tang-truong-xuat-khau-rau-qua-386701.html