Đưa lan về rừng

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk (Đắk Lắk) đã thực hiện chương trình 'Đưa lan về rừng' (trồng lan trong rừng), nhằm phục hồi hệ sinh thái và đa dạng hóa sinh cảnh của rừng tự nhiên.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk chuẩn bị lan để đưa vào rừng trồng.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk chuẩn bị lan để đưa vào rừng trồng.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk được giao quản lý, bảo vệ hơn 15.000 ha rừng phòng hộ với thảm thực vật, động vật phong phú. Tuy nhiên, tình trạng người dân khai thác quá mức các loại lan rừng những năm trước đây đã ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng tự nhiên, nhất là về số lượng và loài lan rừng.

Trước thực tế trên, từ năm 2022, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk đã triển khai chương trình "Đưa lan về rừng", bước đầu đem lại kết quả tích cực và góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân sống gần rừng cũng như cộng đồng xã hội.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk vận chuyển lan bằng đường thủy để tiếp cận diện tích rừng tự nhiên.

Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk vận chuyển lan bằng đường thủy để tiếp cận diện tích rừng tự nhiên.

Vận chuyển lan vào khu vực rừng tự nhiên.

Vận chuyển lan vào khu vực rừng tự nhiên.

Theo các nhân viên quản lý bảo vệ rừng, việc vận chuyển lan, ghép lan vào thân cây rừng cũng khá công phu và nguy hiểm. Để cây lan sau khi trồng sinh trưởng và phát triển tốt, người trồng phải lựa chọn cây cao, to có nhánh 2 hoặc nhánh 3 để ghép lan. Công việc này đòi hỏi người ghép lan vừa có thể lực tốt phục vụ cho việc trèo cây, trụ trên cành cây… vừa am hiểu kỹ thuật ghép, trồng đối với mỗi loại lan để đảm bảo cây sống và phát triển sau khi được đưa về rừng.

Là người thường xuyên làm nhiệm vụ "Đưa lan về rừng" - anh Chư Hăm Bách (dân tộc M'Nông), nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 (Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk) cho biết: Đặc thù lâm phần quản lý của Trạm có địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu và bị bao quanh bởi hồ thủy điện nên việc di chuyển lan lên rừng cũng rất khó khăn, vất vả. Trước khi đưa lan về rừng trồng, nhân viên của Trạm phải chuẩn bị chu đáo về mọi mặt như: giống, phương tiện di chuyển, phương án vận chuyển, xác định khu vực trồng phù hợp… đặc biệt những người tham gia phải có sức khỏe, kỹ năng đi rừng, leo núi tốt để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Nhân viên quản lý bảo vệ rừng gùi lan băng qua những ngọn đồi để đến khu vực trồng phù hợp.

Nhân viên quản lý bảo vệ rừng gùi lan băng qua những ngọn đồi để đến khu vực trồng phù hợp.

Theo anh Chư Hăm Bách, mỗi chuyến đưa lan về rừng, một nhân viên quản lý bảo vệ rừng gùi hàng chục kg lan, vượt hồ thủy điện bằng thuyền, băng cắt từng ngọn đồi của rừng tự nhiên, trèo lên cây cao để trồng lan… đảm bảo lan sau khi trồng sẽ sinh trường và phát triển tốt, góp phần phục hồi và duy trì đa dạng sinh học vốn có của rừng tự nhiên ở Tây Nguyên.

"Dù công việc khá vất vả, có phần nguy hiểm nhưng nhận thấy đây là việc làm rất ý nghĩa nên bản thân luôn nỗ lực vượt qua để duy trì sự đa dạng sinh học của rừng nguyên sinh. Đặc biệt, là người trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng, bản thân cũng được công ty giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân sống gần rừng, nhất là bà con dân tộc M'Nông nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, từ đó cùng nhau chung tay bảo vệ hệ sinh thái rừng và cảnh quan môi trường khu vực bà con sinh sống" - anh Chư Hăm Bách chia sẻ.

Nhân viên quản lý bảo vệ rừng ghép lan vào cây cao trong rừng tự nhiên.

Nhân viên quản lý bảo vệ rừng ghép lan vào cây cao trong rừng tự nhiên.

Là người khởi xướng và dồn nhiều công sức thực hiện chương trình "Đưa lan về rừng" – ông Nguyễn Trương Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk chia sẻ: Nhiều năm trước đây, nhận thấy tình trạng người dân khai thác lan rừng quá mức, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học rừng tự nhiên, bản thân đã ấp ủ ý tưởng đưa lan về rừng nhằm duy trì hệ sinh thái rừng tự nhiên và mong muốn bà con thay đổi cách "ứng xử" với rừng già.

Từ năm 2022, ông đã động viên cán bộ, nhân viên công ty gom góp các giống lan bản địa như: Kiếm, Long tu, Dã hạc… trồng trong những cánh rừng tự nhiên trên lâm phần công ty quản lý, sau một thời gian chương trình đã lan tỏa và nhận được sự quan tâm, đóng góp rất lớn từ cộng đồng.

Việc ghép lan lên cây rừng đòi hỏi người trồng vừa có thể lực tốt và am hiểu kỹ thuật ghép, trồng đối với mỗi loại lan để đảm bảo cây sống và phát triển sau khi được đưa về rừng.

Việc ghép lan lên cây rừng đòi hỏi người trồng vừa có thể lực tốt và am hiểu kỹ thuật ghép, trồng đối với mỗi loại lan để đảm bảo cây sống và phát triển sau khi được đưa về rừng.

Theo ông Nguyễn Trương Bình, "Đưa lan về rừng" không chỉ có ý nghĩa về mặt sinh thái mà còn tác động đến ý thức bảo vệ rừng của nhân dân sống gần rừng và cộng đồng xã hội. Từ chương trình của công ty, đến nay, nhiều tổ chức, cá nhân ở khắp mọi miền như Hà Nội, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… đã chủ động liên hệ đến công ty nhằm gửi các loài lan để công ty đưa về trồng trong rừng tự nhiên.

Từ năm 2022 đến nay, khoảng vài tấn lan thuộc nhiều loài được công ty tiếp nhận và trồng ở rừng tự nhiên thuộc lâm phần của công ty quản lý. Đáng nói, từ khi công ty triển khai chương trình kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân sống gần rừng thì tình trạng khai thác lan rừng từ phía người dân đã giảm hẳn, bà con cũng nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Sau 3 năm triển khai, những cây lan được trồng trong rừng đã sinh trưởng và phát triển tốt.

Sau 3 năm triển khai, những cây lan được trồng trong rừng đã sinh trưởng và phát triển tốt.

Một cây lan kiếm do lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk trồng khoảng 2 năm đã ra hoa trong rừng tự nhiên.

Một cây lan kiếm do lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk trồng khoảng 2 năm đã ra hoa trong rừng tự nhiên.

"Sau 3 năm, những cây lan được công ty trồng trong rừng đã sinh trưởng và phát triển tốt, hằng năm đều nở những đóa lan rừng rực rỡ sắc màu, tô thắm thêm vẻ đẹp của núi rừng hùng vĩ. Đây cũng là niềm vui, sự động viên to lớn đối với những người giữ rừng, quản lý và bảo vệ rừng. Từ đó khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục sứ mệnh bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên. Ngoài ra, việc đưa lan về rừng trồng cũng gắn với công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng thuộc lâm phần công ty, giúp cán bộ, nhân viên sâu sát hơn trong thực hiện nhiệm vụ và góp phần nâng cao hiệu quả quản quản lý, bảo vệ rừng" - ông Nguyễn Trương Bình cho hay.

Đánh giá về chương trình "Đưa lan về rừng" của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Lắk (Đắk Lắk) Trần Đức Trọng cho biết: Đây là chương trình rất có ý nghĩa và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Từ chương trình đã tạo chuyển biến mới giúp cho các loài lan trở về môi trường tự nhiên, sinh sống với đúng giá trị của nó. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương. Đặc biệt, chương trình đã lan tỏa ý thức bảo vệ hệ sinh thái rừng không chỉ ở địa phương mà còn trong phạm vi cả nước.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk xác định các điểm trồng lan nhằm đảm bảo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Lắk xác định các điểm trồng lan nhằm đảm bảo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt.

Về phía lực lượng kiểm lâm, trong thời gian tới sẽ tăng cường phối hợp, đồng hành với công ty trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nói chung và trong thực hiện chương trình "Đưa lan về rừng" nói riêng. Đặc biệt, phối hợp tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý bảo vệ rừng, chung tay cùng lực lượng chức năng bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên cho các thế hệ mai sau.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dua-lan-ve-rung-20250508074347056.htm