Đưa mô hình biển, đảo vào học đường
Tại Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa), các tiết học Địa lý, Lịch sử trở nên sinh động và cuốn hút nhờ mô hình bản đồ hình chữ S thu nhỏ với đầy đủ phần đất liền cùng biển, đảo đặt tại sân trường.
Đây cũng là ngôi trường đầu tiên ở vùng “chảo lửa” đưa mô hình biển, đảo vào không gian học đường.
Mô hình có tổng diện tích 78 m² đặt trang trọng trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, giúp học sinh tiếp cận sinh động, trực quan với kiến thức về chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Không chỉ bó hẹp trong những trang sách giáo khoa, tại đây, học sinh được tận mắt quan sát dáng hình đất nước Việt Nam với dải đất liền hình chữ S cùng các địa giới hành chính rõ ràng. Trên nền mô hình thu nhỏ, vùng Biển Đông rộng lớn hiện lên cụ thể với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua các buổi thuyết trình của giáo viên và những tiết học ngoại khóa, các em không chỉ hiểu rõ kiến thức về địa lý, lịch sử mà còn được bồi đắp tình yêu sâu sắc về quê hương, biển đảo.

Mô hình bản đồ Việt Nam cùng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trở thành lớp học đặc biệt khơi dậy tình yêu với đất nước và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng trong học sinh. Ảnh: M.C
Việc kết hợp giữa kiến thức lý thuyết trong sách với trải nghiệm thực tế luôn là phương pháp hiệu quả để học sinh tiếp thu bài học một cách sâu sắc. Giờ học trở nên hấp dẫn hơn khi các em được sờ tận tay, tận mắt nhìn hình hài đất nước-điều mà sách vở khó truyền tải trọn vẹn. Từ mô hình này, tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo được gieo mầm một cách tự nhiên trong tâm hồn học sinh, bồi đắp tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc ngay từ những năm học đầu đời. Em Nay Ksor H’Zury (lớp 5A) chia sẻ: “Khi học môn Lịch sử, Địa lý kết hợp tham gia các hoạt động trải nghiệm với mô hình biển đảo, em thấy rất dễ nhớ. Em hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của biển, đảo Việt Nam, từ đó thêm yêu đất nước và có ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Mỗi tiết học diễn ra bên mô hình bản đồ thu nhỏ không chỉ trở nên sinh động với học sinh mà còn tạo nguồn cảm hứng và động lực để giáo viên mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa kiến thức đến với học trò bằng những cách thức gần gũi, trực quan và hiệu quả. Cô Nguyễn Thị Hồng Hiệp-Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn-chia sẻ: “Mô hình biển, đảo Việt Nam được lồng ghép linh hoạt trong các tiết học chính khóa, trong sinh hoạt ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, chào cờ đầu tuần và các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo. Mô hình trực quan này cũng mang lại cảm hứng tích cực cho cả thầy và trò, nhờ đó chất lượng dạy và học cũng được nâng lên”.

Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pa) cải khu vực trũng thấp để xây dựng mô hình bản đồ Việt Nam. Ảnh: Ngô Thu
Được Ban Giám hiệu nhà trường khởi xướng xây dựng từ tháng 3-2022, mô hình nhận được sự chung tay góp sức của đội ngũ giáo viên, phụ huynh. Sau 3 tháng thi công, công trình đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Không chỉ là điểm nhấn giáo dục trong khuôn viên trường, mô hình còn thể hiện sự đồng lòng của cộng đồng trong việc truyền thụ kiến thức, khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên ở huyện Krông Pa đưa biển, đảo Việt Nam vào không gian học đường một cách sáng tạo, gần gũi.
Cô Đoàn Thị Thúy-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Mô hình được hình thành dựa trên 3 yếu tố: phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là hoạt động trải nghiệm từ lớp 1 đến lớp 5; xuất phát từ yêu cầu giáo dục chủ quyền biển đảo; đồng thời tận dụng khu vực đất trũng trong sân trường để cải tạo cảnh quan, tránh ngập úng. Mô hình không chỉ là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích mà còn góp phần giáo dục lòng yêu nước, ý thức giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc cho học sinh”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dua-mo-hinh-bien-dao-vao-hoc-duong-post323303.html