Dưa môn ngày lạnh

Những ngày trời mưa lâm thâm, trong gian bếp cũ kỹ của nhà tôi, thể nào cũng có một xoong dưa môn sáp vàng kho cá. Đó là món ngon mà cứ mỗi khi mùa mưa lạnh tới, mạ tôi đều làm để cả nhà ăn chung với nồi cơm nóng bốc khói nghi ngút.

Làng tôi gần biển, theo thói quen của người làng, đất trồng cây được chia thành hai loại, đất khô và đất ướt.

Đất khô là vùng trảng cát trắng bao bọc quanh làng, kéo từ đường quốc lộ vào đến giữa làng. Đất ướt thường nằm ở trung tâm, là nơi thấp trũng nhất, tập trung xung quanh những khe nước chạy len lỏi từ đầu đến cuối làng.

Theo tập tục canh tác ở làng, các cô bác vẫn yêu chuộng cây môn sáp vàng hơn môn bạc hà. Vì thế, ở những ruộng môn, màu sắc chủ đạo luôn là màu tím đặc trưng của cọng môn sáp vàng.

Những ruộng môn sáp vàng hầu như lúc nào cũng ẩm ướt, đôi khi xăm xắp nước. Cứ vài ba ngày, mạ tôi toàn phải đi ủng, khéo léo di chuyển giữa những cụm lá môn ve vẩy trong mưa để thu chột môn (bẹ lá môn).

Chột môn sau khi mang về sẽ được làm sạch đất. Dùng chiếc chày nhỏ, mạ khéo léo đập nhẹ lên mớ chột môn đã được cuốn dọc vào bao. Mạ nói làm thế vừa để dễ lèn chặt môn vào chiếc vại sành, vừa giúp môn nhanh “chín”.

Cứ thế, mớ chột môn đều được chần sơ bằng chày, sau đó cắt khúc tầm lóng tay rồi xếp vào vại. Cứ lớp muối hạt, lớp môn, trên cùng dùng nan tre và một viên đá lớn để nén chặt. Những hôm trời mưa rét, để dưa môn nhanh ngấu, mạ còn cho vào vại sành thêm ít nước vo gạo, thế là yên tâm với mẻ dưa môn. Chỉ sau 4 – 5 ngày, vại dưa đã thoang thoảng mùi chua thơm đặc trưng.

Dưa môn sáp vàng thì khỏi phải nói, từ hương vị đến màu sắc thật chẳng có chi để chê. Cọng dưa bắt mắt với màu đỏ, tím, màu huyết dụ đủ cả. Từng miếng dưa thấm muối trông có vẻ mềm nhưng lại dai giòn đủ kiểu, hứa hẹn trở thành bao món ngon khi ngoài kia, những cơn mưa không ngừng rả rích.

Nào xóc tỏi với dầu lạc, nấu canh chua, nào kho với cá móm, tóp mỡ, món ăn nào có sự xuất hiện của dưa môn cũng làm cho nồi cơm nhanh chóng vơi đi. Những cọng dưa môn trông bé thế thôi, nhưng với những ai để ý chút xíu sẽ nhận ra cái ngon, cái đẹp của món ăn này.

Vì với đoạn cọng môn gần sát củ, thường màu dưa sẽ rất đậm, có những khúc chuyển hẳn sang màu tím than. Chúng thường rất đậm vị, cái mặn chua của nước dưa lên men xen kẽ, hài hòa với vị ngọt dai của miếng môn. Còn với những đoạn chột môn sát cuống lá, màu dưa môn nhạt hơn rất nhiều, miếng dưa thanh nhỏ, màu sắc và hương vị cũng “nông” hơn, khi nhai vị giòn nhiều hơn dai và sắc đỏ tím cũng bắt mắt hơn.

Mạ tôi bảo làm dưa môn không khó, nhưng cũng cần phải có “tay”. Vì đôi lúc không kỹ lưỡng, có những mẻ dưa môn phải đổ bỏ. Công sức thu hoạch chột môn, chần môn hay ướp đều đi tong. Thế nhưng khi đã quen tay rồi và thành thạo với từng công đoạn, dù chỉ là vại dưa môn thôi, nhưng thành quả lại vô cùng đáng quý. Đó là lý do vì sao dưa môn sáp vàng của làng tôi luôn “cháy” hàng. Vì vừa được người làng yêu chuộng, dưa môn còn được đóng gói kỹ càng để theo các chuyến xe vào Nam ra Bắc.

Mấy hôm nay trời trở lạnh, những cơn mưa lại rả rích không ngừng. Trời này mà được ngồi bên mâm cơm nóng hôi hổi, và miếng cơm gạo ruộng thơm nồng, gắp thêm đũa dưa môn sáp vàng thì không còn gì bằng. Giờ này mạ tôi có đang chần những chột môn ở nhà không, hay bà đang mang ủng lội dọc những vồng môn xăm xắp nước để cắt từng chột môn màu tím đỏ?

Tuệ Lâm

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/dua-mon-ngay-lanh-136601.html