Đưa Nghệ thuật Lân Sư Rồng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày 30/3, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố quyết định đưa Nghệ thuật Lân Sư Rồng của người Hoa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời xếp hạng thêm bảy di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố.
Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng.
Nghệ thuật Lân Sư Rồng có lịch sử lâu đời, gắn bó mật thiết với cộng đồng người Hoa tại TP.HCM. Không chỉ là bộ môn nghệ thuật mang đậm bản sắc, Lân Sư Rồng còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng.

Đưa Nghệ thuật Lân Sư Rồng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: DP
Việc được công nhận là di sản góp phần bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa đa dạng của thành phố.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, hiện có 63 đoàn Lân Sư Rồng đang hoạt động với quy mô khác nhau. Dù bộ môn này đã có lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển, nhưng mãi đến năm 2021, tổ chức đại diện chính thức mới được thành lập - đó là Liên đoàn Lân Sư Rồng TP.HCM.
Ông Lư Chấn Lợi, Chủ tịch Liên đoàn, cho biết từ khi ra đời, Liên đoàn là nơi quy tụ, tập hợp các đoàn lân trong cộng đồng người Hoa. Ngoài việc giới thiệu, bảo tồn loại hình nghệ thuật này, Liên đoàn còn thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tư liệu hóa về lịch sử, nguồn gốc, các kỹ năng biểu diễn, trang phục, đạo cụ và các yếu tố văn hóa liên quan.
Bày tỏ kỳ vọng về tương lai của bộ môn này, ông Lư Chấn Lợi mong rằng chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để Lân Sư Rồng phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của công chúng.
Chia sẻ tại buổi lễ, ông Lương Tấn Hằng, Trưởng đoàn Hằng Anh Đường, nhấn mạnh việc công nhận này không chỉ là niềm tự hào của những người theo đuổi bộ môn Lân Sư Rồng mà còn của cả cộng đồng.
Ông tin rằng điều này sẽ góp phần nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống, đồng thời khẳng định giá trị của những người đã gắn bó với bộ môn này từ xưa đến nay.
Đoàn Hằng Anh Đường là một trong những đoàn Lân Sư Rồng tiêu biểu, từng tham gia biểu diễn và thi đấu tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Philippines... Đặc biệt, từ năm 2015, đoàn đã phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc, góp phần đưa nghệ thuật Lân Sư Rồng Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, hiện có 63 đoàn Lân Sư Rồng đang hoạt động với quy mô khác nhau - Ảnh: DL
Cũng trong sự kiện này, TP.HCM công bố thêm bảy di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp thành phố. Trong đó, ba di tích lịch sử là các đình làng mang đậm kiến trúc Nam Bộ tại TP. Thủ Đức gồm: Đình thần An Khánh, Đình thần Long Bình và Đình Long Hòa. Đây không chỉ là những công trình mang giá trị kiến trúc đặc trưng mà còn gắn liền với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bốn di tích kiến trúc nghệ thuật phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây, gồm: Chợ Tân Định, Đền bà Mariamman, Trường THPT Trưng Vương (Quận 1) và Trường Đại học Sài Gòn (Quận 5).
Những công trình này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện trình độ phát triển kiến trúc của TP.HCM trong quá khứ, đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, việc công nhận các di tích này đã nâng tổng số di tích lịch sử - văn hóa của thành phố lên 200 công trình, địa điểm.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp Thành phố cho các đơn vị - Ảnh: TTXVN
Đây là những biểu tượng quan trọng góp phần giữ gìn các giá trị lịch sử, truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển của thành phố.
Đồng thời, việc bảo tồn di sản văn hóa cũng khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng TP.HCM ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại.