Đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, điểm khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam.
Cụ thể, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52-NQ/TW xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, nhiệm vụ trọng tâm, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg đề ra mục tiêu vào năm 2025 kinh tế số Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030.
Về xã hội số, chiến lược đặt mục tiêu tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone đạt 80% vào năm 2025, 95% vào năm 2030; đến năm 2025 tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80% và tỷ lệ này vào năm 2030 là trên 95%...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến giữa năm nay, trong 17 mục tiêu Chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia đặt ra đến năm 2025, đã có 2 mục tiêu được hoàn thành.
Trong đó, điểm cốt lõi, độc đáo và khác biệt của Việt Nam trong phát triển kinh tế số và xã hội số là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Điểm đột phá là phổ cập thật nhanh các nền tảng số quốc gia phục vụ nhu cầu riêng, nhu cầu đặc thù của người dân Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam.
Ước tính, tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước liên tục tăng từ năm 2021 đến nay, từ 11,91% năm 2021 lên 14,29% năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 là gần 15%.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với kết quả đáng kể nêu trên, hiện cả nước có khoảng 60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng, trong đó nền tảng có số lượng người dùng đông nhất đã đạt gần 75 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng. Xu hướng tiêu dùng dịch vụ số của người dân tập trung chủ yếu ở 2 nhóm nền tảng số là thanh toán số và giải trí.